Củng cố nguồn nhân lực để phục hồi kinh tế
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:00, 10/11/2021
Doanh nghiệp kỳ vọng hồi phục hoàn toàn
Doanh nghiệp trên cả nước đã quay trở lại hoạt trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết, người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, tính đến ngày 28.10, đã có 96% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai thông tin, các doanh nghiệp đang liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tổ chức cho lao động đi, về hàng ngày, bỏ thực hiện theo phương án "3 tại chỗ". Tỉnh Đồng Nai đã giao cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp đều lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Nhìn chung đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỉ lệ trên 90%.
Liên quan đến việc huy động lực lượng lao động quay trở lại làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do.
Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp nhận định rằng, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tiến độ tiêm vắc xin bao phủ rộng hơn, thì trong cuối quý 1, đầu quý 2/2022, tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.
Phát triển nguồn nhân lực
Để phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, doanh nghiệp đã quay lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Cùng với nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất từ phía doanh nghiệp, việc hỗ trợ từ phía Nhà nước về chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa... là vô cùng quan trọng.
Về giải pháp tài chính, chuyên gia Vũ Vinh phú cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ đến nhanh, đến đúng với doanh nghiệp.
Về chính sách tiền tệ, Nhà nước cần giảm thuế, hoãn thuế, giảm lãi vay một cách rõ ràng, minh bạch. "Tôi cho rằng giải pháp về giảm lãi vay ngân hàng là nhanh nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, ngân hàng sẽ giảm lãi vay từ 6% xuống còn 4,5% với tất cả đối tượng doanh nghiệp, không phân biệt. Trong đó, thủ tục cần phải được triển khai nhanh chóng", ông Phú nói.
Về chính sách tài khóa, ông cho rằng phải dung dưỡng nguồn thu. Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VTA thì doanh thu sẽ bật lên, số tiền nộp vào ngân sách sẽ tăng.
Đặc biệt, hỗ trợ thu hút lao động, củng cố, phát triển nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng nhất hiện nay. Để vực dậy nguồn nhân lực phải có hợp đồng, chính sách cam kết rõ ràng. "Tôi cho rằng cần phải xem lại các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Trong đó, cần phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động các địa phương", ông Phú cho hay.
Vị chuyên gia này đề xuất thêm, cải cách thủ tục hành chính ngày càng minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nền tảng quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý là Cục Xúc tiền thương mai (Bộ Công Thương) cần tăng cường xúc tiến thương mại song phương, tiếp cận mở rộng thêm nhiều thị trường ngách cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần giảm thêm các chi phí logistics, cầu phà, bến bãi, BOT, nối lại các cung đường vận chuyển, hạ tầng, nhà máy....
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”