Châu Âu cảnh giác trước mối nguy can thiệp từ Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 10:17, 10/11/2021

Ủy ban đặc biệt phụ trách vấn đề nước ngoài can thiệp vào quá trình dân chủ của Liên minh châu Âu (INGE) đề nghị khối hành động nhiều hơn nữa để đối phó hoạt động can thiệp từ Trung Quốc.

Đề xuất trên được đưa ra trong một phiên điều trần ngày 9.11, sau khi phái đoàn INGE vừa kết thúc chuyến công du Đài Loan. Hai bên trao đổi kinh nghiệm chống can thiệp và thao túng.

Nỗi lo đối với Trung Quốc thể hiện rõ qua dự thảo báo cáo mà INGE đệ trình. Bản dự thảo dài 33 trang đề cập Trung Quốc đến 40 lần, hơn gấp đôi số lần đề cập Nga (nước lâu nay luôn bị điểm mặt khi nói về hoạt động can thiệp và tung tin sai lệch tại châu Âu).

Dự kiến dự thảo sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu vào đầu năm sau.

Nghị sĩ người Latvia Sandra Kalniete - tác giả chính của báo cáo - đánh giá Liên minh châu Âu (EU) không theo kịp các đối thủ dùng công nghệ tiên tiến, nỗ lực chống can thiệp hiện tại giống như “dùng xe đua đuổi tàu tên lửa” vậy. Bà kêu gọi thiết lập cơ chế trừng phạt cụ thể với chiến dịch can thiệp và tung tin sai lệch do nhà nước nước ngoài dàn dựng.

Nữ nghị sĩ Kalniete đặc biệt lưu ý mạng lưới Viện Khổng tử trong các trường đại học châu Âu, cáo buộc tổ chức này kiểm soát chặt mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong nghiên cứu lẫn giảng dạy, tạo điều kiện cho hành vi đánh cắp kiến thức khoa học, đóng vai trò công cụ giúp Bắc Kinh triển khai hoạt động can thiệp vào EU.

cchina.jpg
Viện Khổng tử bị xem như công cụ giúp Trung Quốc triển khai hoạt động can thiệp - Ảnh: Handout

Dự thảo báo cáo cũng nhắc đến việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia Hồng Kông bên ngoài lãnh thổ khi thông qua việc kênh tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) yêu cầu cảnh sát Đan Mạch giúp điều tra hai nghị sĩ địa phương từng giúp một nhà lập pháp Hồng Kông trốn chạy sang Đan Mạch năm ngoái. Văn kiện còn chỉ trích cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đang cố gắng thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc tại Pháp, cựu ủy viên châu Âu người Czech Stefan Fule làm việc cho công ty quốc doanh Trung Quốc CEFC China Energy.

Phát biểu tại phiên điền trần, Tổng thư ký Cơ quan Hoạt động đối ngoại châu Âu (EEAS) Stefano Sannino cũng đồng tình rằng EU phải nâng mức trừng phạt với hành động can thiệp để răn đe các quốc gia như Trung Quốc: “Chúng ta không thể chẳng làm gì khi thế lực bên ngoài can thiệp vào xã hội chúng ta”.

Năm ngoái khối EU bỏ đi một phần nội dung trong báo cáo về chiến dịch tung tin sai lệch do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, do lo ngại Bắc Kinh trả đũa bằng cách chặn nguồn cung vật tư y tế.

Phiên bản báo cáo ban đầu xác định Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch tung tin sai lệch quy mô toàn cầu nhằm tránh bị đổ lỗi làm bùng phát đại dịch COVID-19 bằng cách sử dụng cả cách thức công khai lẫn cách thức bí mật.

Vào tháng 3, trước câu hỏi về khả năng thành lập một đơn vị chuyên trách vấn đề liên quan Trung Quốc, đại diện ngoại giao của khối là ông Josep Borrell trả lời: “Hiện tại chúng tôi không có nhiệm vụ xem xét chiến dịch tung tin sai lệch từ Trung Quốc. Chúng tôi có rất ít nguồn lực để làm vậy”.

Trước cuộc bỏ phiếu quyết định mối quan hệ giữa EU với Đài Loan tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh viết thư cho Chủ tịch EP David Maria Sassoli kêu gọi ông dùng vai trò của mình “tác động” đến cuộc bỏ phiếu. Nghị sĩ người Hungary Katalin Cseh lập tức lên tiếng chỉ trích đây là hành động cho thấy Trung Quốc coi thường quá trình dân chủ ở châu Âu một cách trắng trợn.

Cùng tháng, hai sự kiện quảng bá một quyển sách viết về Chủ tịch Tập Cận Bình tại Viện Khổng tử ở Đức bị hủy bỏ vì áp lực từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Đan Mạch bày tỏ quan ngại khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen gỡ bỏ 10 áp phích tranh cử có hình cờ Tây Tạng bên ngoài tòa nhà đại sứ.

Cẩm Bình