Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Nóng chuyện cán bộ y tế vướng vòng lao lý

Sự kiện - Ngày đăng : 11:57, 10/11/2021

Nhìn nhận về nguyên nhân cán bộ y tế vướng lao lý, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt còn do tính cá nhân.

Việc mua vắc xin thời gian đầu gặp nhiều khó khăn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu băn khoăn của cử tri, nếu Việt Nam triển khai chiến lược vắc xin sớm hơn thì sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vắc xin như thế nào?

mai.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam tiếp cận vắc xin sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước.

Theo ông Long, từ tháng 9.2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11.2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vắc xin. Trong khi đó, từ tháng 5.2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm.

Theo ông Long, nguyên nhân là tình trạng khan hiếm vắc xin trên quy mô toàn cầu. Một số nước đặt hàng cao, thậm chí có nước đặt hàng cao hơn so với nhu cầu sử dụng đến 4 lần.

Ông Long cũng cho biết tâm lý sử dụng vắc xin không phải lúc nào cũng như hiện nay. Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vắc xin diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, việc mua vắc xin cũng có nhiều khó khăn như bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vắc xin đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vắc xin như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vắc xin kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vắc xin đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2.2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5.2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vắc xin. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vắc xin rất nhanh.

Cán bộ y tế vướng lao lý là hết sức đau lòng

Tại phiên chất vấn ngày 10.11, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc; vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế...

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Theo đó, một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này còn mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thấu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.

Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực này; thời gian tới bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.

ntl.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng tranh luận về sai phạm kinh tế tại bệnh viện khiến hàng loạt bác sĩ vào vòng lao lý. Ông Cường cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Long về những giải pháp chưa thật sự thỏa đáng.

Về giải pháp phân quyền cho một cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế, theo ông Cường, dù có phân công cho cấp phó nhưng nếu có sai phạm người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Do vậy có thể người đứng đầu vẫn bị sai phạm trong “vô thức”.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Cường cho rằng theo quy định, hằng năm cơ quan chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với phần vốn ngân sách, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm tra báo cáo tài chính.

“Những cơ quan này có chuyên môn về quản lý kinh tế mà còn không phát hiện sai phạm vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện được”, ông Cường nêu.

Dẫn quy định Luật Phòng chống tham nhũng về những sai phạm xảy ra sau khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Ông Cường hỏi thêm cơ quan công an, kiểm sát liệu có bỏ sót tội phạm hay không?

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vấn đề chuyên môn

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết theo quy định của Đảng, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra trong đơn vị của mình. Nếu đơn vị xảy ra sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết cơ quan này chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật trên cả nước. Vấn đề kiểm tra, tài chính, mua sắm, đấu thầu thanh tra kiểm tra là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố quản lý. Trước những sai phạm xảy ra trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã chủ động có văn bản nhắc nhở các địa phương, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Long, đối với các trường hợp để xảy ra sai phạm, dù đau đớn, nhưng tinh thần là phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm việc phòng chống dịch phải hết sức tiết kiệm vì nước ta đang rất khó khăn. Ông cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ, Quốc hội cũng giao cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán rất sâu về chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch để ngăn chặn câu chuyện lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu: "Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi rất thiết thực, là bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị giỏi, vậy có thể tách bạch giữa quản trị và quản lý chuyên môn được không?”

Theo bà Trà, trong xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và sự nghiệp y tế nói riêng, Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định liên quan. Các quy định này đã nêu rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị sự nghiệp. Bộ Y tế cũng ban hành thông tư, nhưng thực tiễn có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, đó là người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản trị.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này, để làm sao đảm bảo như mong muốn vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất. Còn trong trường hợp cụ thể, nên cân nhắc để xem xét, nhất là khi ta đang đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp chung thì rất cần thiết có năng lực quan trị để đáp ứng yêu cầu tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế. Ngoài ra, cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp.

Trước đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo hay thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sao lại khó vô cùng.

"Một giám đốc bệnh viện giỏi chuyên môn là rất cần thiết nhưng không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men được rõ ràng mà tốt nhất là tách khỏi lĩnh vực chuyên môn", đại biểu Hiếu bày tỏ.

Ông Hiếu thông tin, vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm ông làm Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời bổ nhiệm một vị giám đốc khác điều hành chuyên lo về trang thiết bị vật tư.

"Với mô hình này bệnh viện đã hoạt động trơn tru cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Đây là ví dụ cho chúng ta thấy những bất cập trong hệ thống, cần được điều chỉnh càng sớm, càng tốt nếu không muốn hậu quả to lớn hơn", ông Hiếu thông tin.

Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đơn vị nào của ngành y tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hằng năm (kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập).

"Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay đến khi mất bò mới lo làm chuồng? Vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của bộ là một chuyện, còn vấn đề nữa là chế độ kế toán và kiểm toán với các đơn vị", ông Huệ nói, đồng thời ông nhấn mạnh Nghị quyết 19 nói rõ quản lý và hạch toán như doanh nghiệp, việc liên kết đặt máy, mua thuốc, vật tư thiết bị y tế... hằng năm phải kiểm toán và công khai. Ông Huệ đề nghị Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc này.

Về vấn đề đơn vị y tế cấp huyện, sau khi sắp xếp, đề án nói rõ chuyển về địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn vì cấp huyện nắm rõ về con người, nhân sự, đất đai trên địa bàn.

"Đề nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nội vụ chuẩn bị giải trình vấn đề này cho rạch ròi. Chúng ta đã có nhiều năm thực hiện nhưng nay còn chưa thống nhất giữa các địa phương. Qua chống dịch bộc lộ năng lực của y tế cơ sở", ông Huệ nói.

Tiêm vắc xin mRNA có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em không?

Nêu vấn đề, có ý kiến cho rằng vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ, Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vắc xin mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Theo ông Long, hiện loại vắc xin này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Cách làm của các nước là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng.

Bộ trưởng nêu rõ, vắc xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer - BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vắc xin này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi rút vào tế bào.

Theo Bộ trưởng, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vắc xin vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Mỹ khẳng định không có và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.
"Tất cả vắc xin cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía nam, nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng như máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang; một số bác sĩ kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội nhưng sau đó đã phải xóa hoặc đính chính thông tin.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trong thời gian đầu có xảy ra tình trạng thiếu thiết bị như khẩu trang, máy thở, găng tay, kit test… Các nước cũng đã tranh nhau mua để đảm bảo nguồn vật tư cho quốc gia mình. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và các doanh nghiệp đã chủ động vào việc mua, sản xuất máy thở. Đến nay chúng ta không thiếu máy thở ở cả chức năng cao và thấp.

Ông Long cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ có chủ trương không cho bác sĩ kêu gọi trên mạng xã hội”.

Lam Thanh