Giải ngân vốn đầu tư công: Cùng thể chế sao có nơi cao, nơi thấp?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:07, 11/11/2021
Chiều 11.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Gói hỗ trợ phải nhanh, đủ lớn
Trả lời đại biểu quốc hội về kinh nghiệm các gói hỗ trợ quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thế giới có những gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách. Đặc biệt, họ thực hiện rất nhanh, rất dễ, thực hiện ngay. Những nước này đều hồi phục kinh tế rất nhanh.
Ví dụ như Mỹ bỏ 27,9% GDP để hỗ trợ, chấp nhận tăng nợ công; Thái Lan hỗ trợ 16% GDP, nợ công tăng thêm 9,4%...
Về tài khóa các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay...
Đối với Việt Nam, theo ông Dũng, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế.
Đồng thời, gói hỗ trợ cần tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
"Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra", ông Dũng nói.
Người Trung Quốc núp bóng mua đất ở Việt Nam
Đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết: “Chúng tôi đã từng chất vấn việc 126ha do người Trung Quốc sở hữu trên toàn cõi Việt Nam, nhiều vùng là biên giới, ven biển. Vấn đề này cần phải làm rõ ràng. Người Việt Nam núp bóng mua cho người nước ngoài. Việc này là vi phạm Luật Đất đai vì không chính danh, vậy Bộ KH-ĐT đã kiểm tra về vấn đề này như thế nào?”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết đây là vấn đề lớn và chúng tôi cũng chưa có điều kiện nắm rõ tình hình này ở các địa phương. Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này, báo cáo lại Chính phủ.
Trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công ở đâu?
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân chậm có những nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Việc triển khai đã được phân cấp triệt để và thuộc về trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương,...
Bộ trưởng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Tổ công tác của Chính phủ sẽ tăng cường, kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện, rà soát các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rằng thể chế, pháp luật như nhau sao địa phương giải ngân cao, địa hương giải ngân thấp? Ông Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu".
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được được 50%. "Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Trong đó, 16.000 tỉ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỉ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.
"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc", ông Huệ nói và đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải làm rõ câu chuyện này.
3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng nhanh
Trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2020.
Lý do thứ nhất, đó là sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp (đặc biệt là quý 3/2021) khiến hoạt động - sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Lý do thứ hai, là sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn. Theo đó, nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy; doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Nguyên nhân thứ ba, đó là trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp lựa chọn “đóng băng” trong ngắn hạn để xem xét tình hình, diễn biến của dịch bệnh, “trú ẩn” để bảo toàn nguồn vốn chờ qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp và giãn cách nghiêm ngặt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 128 của Chính phủ sau khi ban hành đã được dư luận xã hội đánh giá là một chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời. Trong 10 ngày sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, số doanh nghiệp thành lập mới là 3.753 doanh nghiệp, chiếm đến 45,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng; số vốn đăng ký mới là 42.280 tỉ đồng, chiếm 38,9% tổng số vốn đăng ký mới trong tháng.
Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong tháng 10.2021 cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ so với tháng 9.2021. Chẳng hạn, Đồng Nai tăng 325,6%; Cần Thơ tăng 289,5%; Bình Dương tăng 260,3%; TP.HCM tăng 204,7%; Hà Nội tăng 110,1%.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa,…
Ở một góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
Do vậy, theo Bộ trưởng, cần sớm ban hành và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.