Vì sao ếch chứ không phải động vật khác là nhân vật chính của truyện cổ tích?
Giáo dục - Ngày đăng : 10:32, 09/05/2020
Nghĩ theo một hướng khác đi
Tại sao các cô gái trẻ lại được khuyến khích hôn hết chú ếch này đến chú ếch khác với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy “hoàng tử ếch” của mình? Tại sao lại là hoàng tử “ếch”? Vì sao ếch chứ không phải động vật khác là nhân vật chính của truyện cổ tích?
Câu hỏi này đã được Edward de Bono - bác sĩ, nhà tâm lý học, giáo sư giảng dạy tại Havard, tác giả cuốn sách Làm người thú vị - đưa ra làm bài tập về tư duy sáng tạo.
Trong cuốn sách, tác giả gợi ý: Có nhiều người sống ở hai thế giới hoàn toàn tách biệt và họ ứng phó với cả hai thế giới đó; nhân vật chú ếch lấy được công chúa chính là cách dân gian dạy cho chúng ta một bài học về khả năng ứng biến linh hoạt, ngay cả khi bản thân xấu xí (như chú ếch) hay có xuất phát điểm thấp (từ đầm lầy).
Chúng ta cũng nên nhìn nhận bản thân ở mỗi giai đoạn như một tạo vật hoàn toàn khác nhau. Bất kể bạn đang ở đâu và như thế nào, mọi chuyện đều có thể thay đổi và tốt đẹp hơn.
Tâm trí của chúng ta còn có thể nghĩ đến nhiều giả thuyết và vấn đề khác chỉ từ chủ đề đơn giản về “con ếch”. Theo quan điểm của Edward de Bono, bất kỳ ý tưởng nào cũng có thể là khởi điểm cho một hướng suy nghĩ và thảo luận thú vị hơn. Con người cảm thấy thú vị không phải vì những gì bạn nói với họ mà bởi những gì diễn ra trong tâm trí họ như sự suy tưởng, liên kết và tưởng tượng.
Làm thế nào để trở nên thú vị?
Dành cả đời để nghiên cứu về ngành khoa học tư duy, Edward de Bono đã cho ra mắt nhiều tựa sách về chủ đề này. Các nghiên cứu của Edward đi sâu vào phân loại khả năng của con người với bản chất và vai trò khác nhau. Hiểu rõ bản thân và khả năng tư duy sẽ giúp chúng ta chủ động phát huy năng lực vào những hướng tư duy thú vị và khác biệt trước mọi vấn đề trong cuộc sống.
Theo ông, bí quyết để một người trở nên thú vị hơn nằm ở chỗ: Tận dụng tất cả khả năng tư duy của bản thân, linh hoạt thay đổi lối tư duy khi cần thiết, không ngừng rèn luyện tư duy.
Trong đó, Edward De Bono chỉ ra chúng ta có thể áp dụng tư duy thực tiễn, tư duy song song, tư duy đa chiều... như những phương pháp tư duy không giới hạn mà chúng ta có thể mở ra trong tâm trí mình. Chỉ có khi ta luôn linh hoạt và không ngừng “thú vị hóa” bản thân, ta mới có thể giải phóng khỏi các quan niệm cố hữu và kích thích các ý tưởng mới.
Rõ ràng, dù bạn có thông minh và linh hoạt đến đâu, chỉ dựa vào nền tảng ban đầu, những năng khiếu và điều kiện trời cho, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào tư duy một chiều và cuối cùng là thụt lùi.
Trong cuốn sách “Làm người thú vị”, bậc thầy tâm lý học và khoa học về não bộ - TS. Edward De Bono cũng hướng dẫn độc giả “chơi đùa” với các ý tưởng, tạo ra các kết nối, suy luận và sử dụng trí tưởng tượng để tâm trí trở nên sinh động, thú vị và khác biệt. Đi từ quan điểm nhân văn, bạn có thể trở thành một người thú vị bằng cách thay đổi những suy nghĩ diễn ra trong tâm trí của chính mình, những lý thuyết và bài tập được bậc thầy tâm lý học và khoa học về não bộ đúc rút sẽ thay đổi bạn và khiến bạn trở thành một người thú vị từ bên trong tâm hồn và tâm trí của mình, không phải bằng bất cứ thủ thuật giao tiếp hay lối tắt nào.
Chỉ khi chúng ta biết nghi ngờ về mọi sự, biết đặt câu hỏi thì cuộc sống và chính chúng ta mới trở nên thú vị hơn. Chính việc mở ra các khả năng và suy đoán theo mọi hướng mới làm cho bất kỳ điều gì trở nên thú vị.
Đó cũng chính là thông điệp được Edward de Bono – cha đẻ của khái niệm Tư duy ngoại biên (Lateral thinking) chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực tư duy sáng tạo –gửi tới bạn qua các bài tập về tư duy, mà câu hỏi về con ếch ở trên chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Với kinh nghiệm giảng dạy phương pháp tư duy của mình cho nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân trên toàn thế giới, tác giả và cuốn sách “Làm người thú vị” hứa hẹn sẽ mang lại những thông tin bổ ích, thú vị cho bạn đọc.
Hương Trâm