Rụng tóc, không thể đi lại và các triệu chứng kéo dài đáng sợ ở trẻ em khỏi COVID-19
Thế giới gia đình - Ngày đăng : 21:50, 12/11/2021
Madison Foor là vũ công 14 tuổi khỏe mạnh trước khi mắc COVID-19 vào tháng 1.2021. 10 tháng sau khi khỏi bệnh, cô bé phải sử dụng ống hít mỗi ngày.
“Cảm giác hơi đáng sợ, giống như tôi không thể thở được”, Madison Foor nói.
Madison Foor đã trở lại bệnh viện nhi của Đại học Michigan (Mỹ) trong tuần này để kiểm tra chức năng phổi của mình. Phòng khám đang nghiên cứu cái gọi là các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em.
“Tim em bắt đầu đập rất nhanh và phổi giống như có nhu cầu cần không khí liên tục”, Madison Foor nói.
Một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến 1 trong 7 trẻ em vài tháng sau khi chúng nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, lo lắng, các vấn đề về phổi và mệt mỏi.
Katharine Clouser, bác sĩ bệnh viện nhi, cho biết nhóm của cô đang nhận thấy sự gia tăng số lượng trẻ em mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Katharine Clouser và nhóm của cô tại mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Hackensack Meridian Health ở bang New Jersey (Mỹ) đã mở một trong những trung tâm phục hồi COVID-19 cho trẻ em đầu tiên tại bang này vào mùa xuân năm ngoái.
“Đã có một số bằng chứng giai thoại cho thấy các triệu chứng của chúng có cải thiện”, Katharine Clouser nói.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã khuyến nghị tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi. Kể từ đó, gần 1 triệu trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm liều Pfizer đầu tiên.
Aaron Estrada (4 tuổi), một trong những bệnh nhân của Katharine Clouser, vẫn khỏe mạnh cho đến khi mắc COVID-19 một năm trước. Sau đó, cậu bé phát triển hội chứng viêm đa hệ thống, rụng tóc và không thể đi lại hoặc đứng trong một tháng.
Aaron Estrada cần nhiều tháng vật lý trị liệu để học cách đi lại. Sau 12 tháng điều trị, các bác sĩ của Estrada hy vọng cậu bé sẽ bình phục hoàn toàn. Aaron Estrada chưa tròn 5 tuổi cho đến mùa xuân năm sau, nhưng các bác sĩ dự định sẽ tiêm vắc xin cho cậu bé trong tháng này vì các triệu chứng quá nghiêm trọng.
Khoảng 1/10 đứa trẻ vẫn còn các triệu chứng sau khi phục hồi từ COVID-19, dù con số đó đã giảm hơn một nửa khi nhiều tháng trôi qua, theo cuộc khảo sát của Bộ Y tế Israel được công bố hôm 13.9.
Bộ Y tế Israel đã thực hiện cuộc khảo sát qua điện thoại vào tháng 6 trong số 13.834 phụ huynh có con từ 3-18 tuổi đã khỏi bệnh COVID-19, hỏi xem con họ có các triệu chứng kéo dài, bao gồm các vấn đề về hô hấp, hôn mê, mất khứu giác và vị giác hay không.
Tiếp đó, Bộ Y tế Israel cho biết 11,2% đứa trẻ có một số triệu chứng COVID-19 sau khi hồi phục. Con số này giảm xuống 1,8% - 4,6% sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19, với trẻ lớn hơn mắc nhiều hơn.
Bộ Y tế Israel không đề cập đến vắc xin hoặc tác động của chúng. Cuộc khảo sát được thực hiện vào khoảng thời gian những người Israel 12-15 tuổi mới đủ điều kiện để được tiêm vắc xin. Ở Israel, Pfizer là vắc xin ngừa COVID-19 được sử dụng chủ yếu.
Israel cho phép thanh thiếu niên 16-18 tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sớm hơn vài tháng.
WHO định nghĩa COVID-19 kéo dài thế nào?
WHO định nghĩa COVID-19 kéo dài là tình trạng có ít nhất một triệu chứng thường khởi phát trong vòng 3 tháng kể từ khi nghi nhiễm hoặc được xác nhận nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tồn tại ít nhất 2 tháng, và không thể giải thích bằng chẩn đoán khác.
Các triệu chứng có thể bắt đầu trong quá trình nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc xuất hiện lần đầu tiên sau khi F0 khỏi bệnh cấp tính.
Các triệu chứng dai dẳng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và các vấn đề về nhận thức. Những người khác bị đau ngực, gặp các vấn đề về khứu giác hoặc vị giác, yếu cơ và tim đập nhanh. COVID-19 kéo dài thường có tác động đến hoạt động hàng ngày.
Định nghĩa của WHO có thể thay đổi khi xuất hiện bằng chứng mới và hiểu biết về hậu quả của COVID-19 tiếp tục phát triển. Cơ quan này cho biết một định nghĩa riêng có thể áp dụng cho trẻ em.
Hiện không thể biết chính xác số người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 kéo dài. Một nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) với hơn 270.000 người sống sót sau COVID-19 đã tìm thấy ít nhất một triệu chứng lâu dài ở 37% trong số đó, với các triệu chứng thường xuyên hơn ở những người phải nhập viện.
Một nghiên cứu riêng biệt từ Đại học Harvard (Mỹ) liên quan đến hơn 52.000 người sống sót sau khi mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, cho thấy rằng tình trạng COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân dưới 65 tuổi thường xuyên hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet, các nhà khoa học Trung Quốc báo cáo rằng 12 tháng sau khi rời bệnh viện, 20% đến 30% bệnh nhân mắc COVID-19 vừa phải và tới 54% những người bị bệnh này nặng vẫn có vấn đề về phổi.
Nghiên cứu của Đại học Harvard cũng phát hiện ra rằng những chẩn đoán mới về bệnh tiểu đường và rối loạn thần kinh phổ biến hơn ở những người có tiền sử COVID-19 so với những ai không nhiễm vi rút SARS-CoV-2.