Sân khấu phía Nam hồi hộp chờ đợi mùa Tết 2022
Văn hóa - Ngày đăng : 05:00, 13/11/2021
Nếu tình hình ổn, cuối tháng 12 sẽ… sáng đèn
Sân khấu kịch, hơn 10 năm qua, đã chìm sâu vào khó khăn vì bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình giải trí khác, mà trong đó, đa số là các chương trình truyền hình miễn phí như gameshow, talkshow, phim và kịch truyền hình lẫn youtube. Nhiều suất diễn chỉ chiếm nữa rạp, hoặc có lúc khán giả ít đến mức, nhà hát phải trả vé. Thế nhưng niềm đam mê mãnh liệt của các ông bà bầu vẫn duy trì 2 mùa kịch trong năm. Đó là mùa kịch Tết và mùa hè. Đầu năm ra mắt một loạt các kịch mục mới, và sau 4,5 tháng tiếp tục giới thiệu một đợt vở mới tiếp theo.
Thế nhưng năm 2021, dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả. Từ đầu năm đến nay, các sân khấu chỉ diễn lác đác vài suất.
NSƯT Mỹ Uyên, giám đốc nhà hát 5B Võ Văn Tần, chia sẻ: “Tôi vẫn thường lên sân khấu quét dọn, chụp hình đăng facebook nhưng tâm cang bất an không biết khi nào sáng đèn lại. Năm rồi, dựng xong 2 vở mới nhưng dịch bùng phát là đóng cửa. Đến tháng 3.2020, diễn vở mới Rồi mắc gì cười! được 3 suất, chưa thu hồi được 1 phần vốn đầu tư lại đóng cửa tiếp tới giờ. Tình hình năm nay còn nghiêm trọng hơn năm ngoái, vậy nên, chúng tôi chỉ tranh thủ tập lại các vở đã chuẩn bị nhưng chưa diễn, hoặc diễn 1, 2 suất. Nếu cuối tháng 12.2021 mọi thứ đã an toàn, chúng tôi sáng đèn. Nếu dịch bệnh hoành hành, chấp nhận thất nghiệp“.
Sân khấu Thế Giới Trẻ là 1 trong 2 sân khấu thành công về doanh thu của Sài Gòn. Năm ngoái, nơi này chuẩn bị 2, 3 vở mới nhưng cũng vì COVID-19 mà không thể phục vụ khán giả. Theo ông bầu Trần Đại, việc xác định sống chung với dịch bệnh, tạo miễn dịch cộng đồng là điều bắt buộc, thế nhưng, tâm lý khán giả vẫn sợ bị lây lan. Điều này sẽ cản trở họ quyết định đến rạp xem kịch. Nếu mở cửa mà khán giả ít quá, cũng là điều bất lợi cho sân khấu. Do đó, cuối tháng 12.2021 là thời điểm quyết định xem có nên mở cửa hay không.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh, một sân chơi kịch nghệ chất lượng cao, cũng có cùng một tâm trạng như thế. Năm nay, ông bà bầu Ái Như và Thành Hội không tập kịch mới vì lệnh giãn cách không tập trung được diễn viên, mà phong cách của sân khấu này là bắt buộc anh em nghệ sỹ phải khổ luyện nhiều giờ trên sàn tập. Dù có sẵn kịch bản nhưng nơi đây vẫn án binh bất động và chờ thời điểm tháng 12.2021 để biết sẽ làm gì. Ngay cả lớp đào tạo diễn xuất đã có lượng học viên đăng ký đông đảo vẫn còn kèm theo thông báo, nếu tình hình dịch ổn định, sẽ khai giảng vào tháng 12.2021. Nếu không sẽ dời ngày.
Sân khấu cải lương, từ lâu, còn khó khăn hơn cả sân khấu kịch. Sức sống của cải lương được mô tả là “chết lâm sàng”. Dù vậy, các đoàn cải lương tư nhân như Đại Việt, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, sân khấu Chí Linh – Vân Hà, sân khấu Kim Ngân vẫn xem mùa tết là dịp để nghệ sĩ tái ngộ khán giả, cháy với đam mê. Tình hình dịch bệnh đã khiến cải lương tê liệt đến nỗi mùa hát chầu, hát ở đình miễu, mà còn không có cơ hội. Vậy nên, các ông bà bầu cũng ngồi yên chờ đợi, và linh hoạt với hoàn cảnh. Riêng sân khấu Chí Linh – Vân Hà chuẩn bị vở Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài từ đầu năm 2021, ký hợp đồng diễn tại nhà hát thành phố vào ngày 7.6.2021 nhưng vì lệnh giãn cách đã phải dời qua ngày 12 tháng Giêng (âm lịch 2022), tức là sau Tết âm lịch.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đơn vị tiên phong của nhà nước nên phải có chuẩn bị kỹ càng. Anh em nghệ sĩ đã lên sàn tập 3 vở Người yêu của đảo chúa, Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh. Thế nhưng được hỏi khi nào diễn thì ngay cả giám đốc nhà hát Phan Quốc Kiệt cũng chưa có câu trả lời.
Thế mạnh thuộc về kịch truyền hình
Trong khi các nhà hát, sân khấu đang rất bị động thì kịch truyền hình đang phát huy lợi thế. Mùa dịch khiến khán giả bị thất nghiệp hoặc việc mưu sinh ảnh hưởng nghiêm trọng, việc bỏ tiền mua vé đến rạp xem kịch, cải lương là bất khả thi. Dĩ nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc ngồi nhà, mở tivi xem các chương trình giải trí là giải pháp vẹn cả đôi đường. Khán giả mê kịch, không đến rạp thì mở chương trình kịch truyền hình để thưởng thức. Tận dụng ưu thế đó, HTV đã sớm chuẩn bị nhiều vở kịch Tết, trong đó đạo diễn Hoàng Duẩn đang ráo riết tập luyện 2 vở là Vui tết đừng căng và Lì xì online.
Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Dịch bệnh dù có làm cho cuộc sống đảo lộn nhưng không khí tết vẫn còn đọng lại trong tâm trí của người Việt Nam. Đây là thời điểm mà mọi người cần những giây phút thư giãn nhẹ nhàng, lắng đọng để ước mơ những gì tốt đẹp nhất. Từ đó, tôi dựng hai vở hài kịch hướng tới ý nghĩa thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, và việc nhắc nhở giới trẻ trong thời đại công nghệ số hãy gìn giữ vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Qua hai vở kịch, chúng tôi đưa khán giả trở về với không gian tết ấm áp, thân thuộc của nhiều thế hệ”.
Hai vở diễn của đạo diễn Hoàng Duẩn sẽ được phát sóng trong chương trình Chuyện bốn mùa rất quen thuộc với khán giả xem đài. Trước khi hai vở này phát sóng, vào tháng 12.2021, trong chương trình Siêu thị cười của HTV sẽ phát sóng vở kịch hài tâm lý Hai mảnh tình yêu của đạo diễn Quốc Thịnh. Việc dịch bệnh khiến khán giả không đến rạp xem kịch và cải lương gợi nhớ lại một thời kỳ cách đây khoảng gần 30 năm. Thời điểm ấy, khán giả ở các tỉnh lẻ và phần lớn công chúng ở Sài Gòn không có cơ hội xem kịch tại sân khấu, và lựa chọn duy nhất là xem kịch trên đài truyền hình vào các ngày cuối tuần.
Dĩ nhiên, ngày ấy, trong xóm chỉ có một hai gia đình có tivi nên bà con phải xem ké. Ấy thế mà kịch nghệ thời đó phát triển mạnh mẽ. Những nghệ sĩ kịch như Khánh Hoàng, Tú Trinh, Thành Hội, Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo trở thành những ngôi sao lớn. Tài năng của họ cho đến nay vẫn chưa bị vượt qua. Ngày nay điều kiện sống tốt hơn, khán giả có thể ngôi nhà xem nghệ thuật qua tivi, qua app, điện thoại… Vì vậy, nếu kịch truyền hình ngày nay được đầu tư chỉnh chu, cũng là một sân chơi đẹp dành cho người yêu kịch.
Dẫu vậy, nếu phát triển song song cả hai thể loại kịch tại sân khấu và kịch truyền hình vẫn là điều hay cho sự phát triển của sân khấu. Bởi vì, với những người thực sự yêu kịch được xem kịch tại sân khấu, trực tiếp đối mặt với diễn viên vẫn có xúc cảm đặc biệt và khác hẳn. Và nghệ sĩ khi thấy được biểu cảm của khán giả, cũng thăng hoa hơn diễn tại trường quay. Diễn kịch trực tiếp cũng là cách để nghệ sĩ nâng cao kỹ năng diễn xuất. Trường hợp này cũng tương tự với nghệ thuật cải lương.
Vậy nên, người viết luôn mong mỏi dịch bệnh mau chóng qua đi, để nghệ sĩ được trở lại sân khấu và khán giả yêu kịch, cải lương được đắm chìm trong những khoảnh khắc đẹp của nghệ thuật.