Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cần vượt qua khác biệt để 'chung tư duy, cùng hành động'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:00, 13/11/2021
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động” vì lợi ích của mỗi nền kinh tế và của cả cộng đồng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới; chủ động mở rộng liên kết kinh tế trong phục hồi, tăng trưởng bền vững; phát huy vai trò dẫn dắt trong định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch và góp phần củng cố quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả, công bằng, minh bạch.
Theo đó, trọng tâm của APEC là kiểm soát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đi đầu xây dựng hình mẫu châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hoá Tầm nhìn Putrajaya 2040.
Chủ tịch nước nêu bật những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu về phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, giải quyết những thách thức chung toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu; đồng thời, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên APEC hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.
Các đề xuất của Chủ tịch nước được các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao, tán đồng và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị.
Đây là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC 2021 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo kinh tế, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC; Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) là khách mời của hội nghị.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Hợp tác APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.
Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hàng đầu khu vực về hợp tác và liên kết kinh tế, tiên phong trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, mở, thịnh vượng và tự cường. Theo đó, APEC ủng hộ nỗ lực toàn cầu về chia sẻ và tiếp cận bình đẳng vaccine, mở rộng sản xuất và cung ứng vaccine, tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, APEC cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cải cách WTO, thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, phát triển kinh tế số, phối hợp trong mở cửa đi lại qua biên giới và bảo đảm phòng chống dịch. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua “Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo và Kế hoạch hành động Aotearoa để triển khai tầm nhìn Putrajaya 2040”. New Zealand cũng bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.
Theo VGP