Thủy sản Việt Nam khó xuất khẩu vì lệnh kiểm soát của Trung Quốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:25, 13/11/2021

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm liên tục từ đầu năm đến nay do chính sách kiểm soát chặt chẽ vi rút COVID-19 của nước này.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ tháng 4 vừa qua đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục giảm từ 11-51%. Cụ thể, xuất khẩu giảm sâu trong quý 3/2021: giảm tới 36% trong tháng 8 và 51% trong tháng 9.

Năm 2020, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc giảm 20% đạt 12,7 tỉ USD. Trong nửa cuối năm 2020, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc giảm 31% xuống còn 5,95 tỉ USD, sau khi giảm 6% trong nửa đầu năm đạt 6,7 tỉ USD. Tiêu thụ thủy sản bình quân của Trung Quốc là 26,4 kg vào năm 2020, giảm so với 32,8kg năm 2019. Năm 2021, tình hình nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc vẫn trì trệ.

thuy-san.jpg
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó khăn khi xuất sang Trung Quốc - Ảnh: Internet

Nguyên nhân khiến thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc liên tục giảm là do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ vi rút COVID-19 trên thủy sản nhập khẩu của nước này, khiến thông quan tại các cảng ở Trung Quốc bị ách tắc. Từ quý 3/2020, Trung Quốc đã nhiều lần thông báo phát hiện vi rút COVID-19 trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Nga, Achentina… Do vậy, Hải quan nước này tuyên bố sẽ tăng cường thanh tra và kiểm tra thủy sản đông lạnh nhập khẩu.

Trước lệnh kiểm soát trên, hàng trăm công ty xuất khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Nga, Indonesia đã bị đình chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc từ 1-5 tuần vì lý do phát hiện COVID-19. Riêng Ấn Độ có tới trên 70 công ty bị tạm ngừng nhập khẩu sang Trung Quốc.

"Đáng chú ý, nhân cơ hội kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nhập khẩu vì dịch bệnh, Trung Quốc cũng muốn bảo hộ các sản phẩm nội địa trong nước nên tìm cách hạn chế nhập khẩu. Trung Quốc đang tăng cường truyền thông mạnh người dân sử dụng sản phẩm trong nước. Vì vậy, thủy sản của Việt Nam càng khó xuất sang thị trường này", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Hiện tại, lệnh kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 768 triệu USD. Trong đó, 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra chiếm lần lượt 39% và 36% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 298 triệu USD và 279 triệu USD, giảm 23% và 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho biết sẽ tăng cường kiểm tra thủy sản đông lạnh. Đến ngày 29.10, GACC đã kiểm tra hơn 400 nhà sản xuất thực phẩm chuỗi lạnh quốc tế và đình chỉ 154 công ty nhập khẩu do lây nhiễm từ các nhân viên. GACC đã lấy khoảng 3,2 triệu mẫu thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 499 mẫu dương tính với COVID-19. GACC cũng đã đình chỉ nhập khẩu đối với 221 công ty quốc tế từ 1-4 tuần, sau khi phát hiện các bao bì sản phẩm dương tính với COVID-19.

Trước tình hình trên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm, đạt 242 triệu USD trong quý 4/2021, giảm 40%. Theo đó, dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26%.

Để thúc đẩy thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Cần phải phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trong đó, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số để khớp nối được dữ liệu về cung cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu về trong nước để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Tuyết Nhung