Mua nhiều công ty, Mark Zuckerberg vẫn e ngại Apple, Google, Microsoft, Sony trong cuộc đua vũ trụ ảo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:21, 13/11/2021
Dù chưa có thị trường nào như vậy cho metaverse, Meta đã xác định quy mô cạnh tranh. "Khi đầu tư vào metaverse, chúng tôi biết rằng chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty như Microsoft, Google, Apple, Snap, Sony, Roblox, Epic và nhiều người khác ở mọi bước của cuộc hành trình này", công ty cho biết.
Không có gì ngạc nhiên khi Meta đang để mắt đến những người chơi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ và game với mục tiêu tạo ra không gian ảo được chia sẻ, như Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã mô tả trong bài thuyết trình vào tháng trước.
Trong video, Mark Zuckerberg đưa ra tầm nhìn của công ty về một tương lai mà mọi người trở thành hình đại diện ảo ở không gian ảo được chia sẻ trên thế giới.
Mark Zuckerberg nói: “Chúng tôi tin rằng metaverse sẽ là sự kế thừa của internet di động. Chúng tôi sẽ có thể cảm thấy hiện tại, giống như chúng tôi đang ở đó với mọi người, bất kể thực sự có cách xa nhau như thế nào".
Giám đốc điều hành Meta tiếp tục đưa ra nhiều ví dụ về thế giới ảo này trong tương lai, với mọi thứ từ game đến các cuộc họp hội đồng ảo.
Đó là tầm nhìn về tương lai giống như thế giới game trực tuyến hiện đại có từ nhiều thập kỷ trước, từ Second Life, World of Warcraft đến các ứng dụng phòng trò chuyện thực tế ảo. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Mark Zuckerberg nhìn thấy những công ty như Sony (sản xuất PlayStation) và Microsoft (sản xuất Xbox) là một phần của nhóm tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường metaverse vẫn chưa tồn tại.
Đáng chú ý, Microsoft đã công bố ý định tham gia vào lĩnh vực này và rộ tin nhiều năm rằng Apple đang làm việc trên một số dạng tai nghe thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường.
Cuộc cạnh tranh dường như đang nóng lên.
Facebook âm thầm mua lại các công ty phục vụ metaverse
Trong số rất nhiều lời phàn nàn về Facebook, có một ý kiến nhất quán: Nó quá lớn mạnh. Đó là lý do tại sao một số nhà phê bình và cơ quan quản lý muốn thu nhỏ Facebook bằng cách buộc Mark Zuckerberg phải hủy bỏ các thương vụ mua lại.
Câu trả lời của Mark Zuckerberg: Hãy trở nên lớn hơn bằng cách mua nhiều thứ hơn.
Sau khi chậm lại một thời gian ngắn vào 2018, năm vụ bê bối Cambridge Analytica (liên quan đến việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người dùng) nổ ra, Facebook đã liên tục thực hiện các vụ mua lại lớn - ít nhất là 21 trong 3 năm qua, theo dịch vụ dữ liệu Pitchbook.
Nhiều thương vụ đã được công bố kể từ tháng 12.2020, khi chính phủ Mỹ lần đầu tiên đệ đơn kiện chống độc quyền với Facebook, cáo buộc họ duy trì độc quyền bất hợp pháp trên mạng xã hội bằng cách mua hoặc đè bẹp các đối thủ cạnh tranh. Đơn kiện ban đầu và đơn khiếu nại sửa đổi nhằm buộc Facebook phải thoái vốn khỏi cả Instagram lẫn WhatsApp.
Vài năm qua, Facebook mạnh tay trong các thương vụ mua lại, từ Giphy (cho phép bạn đặt các ảnh GIF vui nhộn trong các bài đăng trên mạng xã hội của mình) đến Kustomer (khởi nghiệp chuyên về hệ thống quản lý khách hàng)... Hầu hết chúng đều tập trung vào một lĩnh vực: Chơi game và thực tế ảo. Điều này có lý vì Mark Zuckerberg chính thức tuyên bố rằng game và thực tế ảo, được gộp chung trong bảng đánh giá mở rộng và khó xác định về metaverse, là tương lai của Facebook.
Do đó, tên công ty đổi tên từ Facebook thành Meta. Song điều quan trọng hơn là một lời hứa rằng Facebook sẽ thuê 10.000 nhân viên ở châu Âu trong vòng 5 năm tới cho nỗ lực này, có kế hoạch chi 10 tỉ USD chỉ trong năm nay và nhiều hơn nữa “vài năm tới”.
Một ngày sau khi thông báo về việc đổi tên, Meta đã minh họa cách họ sẽ chi tiền: Thỏa thuận mua Within, công ty được đồng sáng lập bởi nhà tiên phong thực tế ảo - Chris Milk, nổi tiếng với ứng dụng thể dục Supernatural. Những người quen thuộc với giao dịch nói rằng Facebook đã trả hơn 500 triệu USD cho Within.
Các giao dịch liên quan metaverse khác được công bố trong năm nay gồm Unit 2 Games (nền tảng sáng tạo game miễn phí); Bigbox VR (game phổ biến cho kính thực tế ảo Oculus của Facebook); Downpour Interactive (nhà sản xuất game thực tế ảo khác).
Chính phủ Mỹ không nhất thiết phải thắng kiện hoặc thông qua luật để làm chậm hoặc ngăn chặn tham vọng của Facebook.
Những thương vụ đó đã khiến người ta phải kinh ngạc trước khi Facebook chính thức tuyên bố rằng metaverse đại diện cho tương lai của công ty.
Nếu nghĩ rằng Facebook năm 2021 cần phải hoàn tác khỏi các thương vụ mua lại trong quá khứ như Instagram (1 tỉ USD, 2012) và WhatsApp (19 tỉ USD, 2014), bạn cũng nên lo lắng về các giao dịch Mark Zuckerberg đang thực hiện để xây dựng phiên bản 2031 cho công ty?
Một đại diện của Facebook giải thích sự khác biệt: Không giống mạng xã hội cách đây một thập kỷ, Facebook không phải là công ty dẫn đầu về thực tế ảo/thực tế tăng cường/chọn một cái tên cho nó – mà rất nhiều công ty lớn có giá trị vốn hóa cao đang chi rất nhiều thời gian và tiền bạc vào đó. Mark Zuckerberg hình dung ra tương lai nơi Facebook đơn giản là một trong số các công ty tham gia cuộc chơi metaverse.
Một trong những lý do chính mà Mark Zuckerberg quan tâm đến metaverse là tưởng tượng nó có thể mang cho ông cách kết nối trực tiếp với khách hàng của mình mà không cần phụ thuộc vào smartphone Apple và Google.
Các thương vụ mua lại của Facebook cũng nhấn mạnh những khó khăn mà các cơ quan quản lý chống độc quyền gặp phải khi vật lộn với một ngành phát triển nhanh và không thể đoán trước. Ngay cả các biện pháp chống độc quyền tích cực nhất mà chúng ta thấy vài năm qua cũng được thiết kế để quay ngược thời gian và sửa lỗi, hoặc cơ quan quản lý đang tập trung vào hiện tại, giống như một luật được đề xuất sẽ ngăn các nền tảng lớn như Facebook thực hiện các giao dịch lớn trong các ngành đang thống trị.
Vậy làm thế nào để bạn nhìn vào tương lai và đoán rằng Facebook, chứ không phải Google, Epic Games, Roblox hoặc một công ty khởi nghiệp chưa từng nghe đến, sẽ thống trị metaverse? Đặc biệt là khi metaverse chưa tồn tại, có thể không bao giờ tồn tại, hoặc có thể kết thúc tồn tại ở một số hình thức rất khác so với Mark Zuckerberg, nhà khoa học viễn tưởng, giám đốc điều hành công nghệ và các nhà đầu tư tưởng tượng nó có thể xảy ra ngày nay?
Một nhà đầu tư mạo hiểm từng bán công ty cho Facebook nói: “Có vẻ như Facebook nói riêng sẽ rất khó để có được bất cứ thứ gì trong không gian xã hội”.
Điều đó có thể không chỉ áp dụng cho các thương vụ mua lại lớn, mà thậm chí cả những giao dịch nhỏ với các công ty giá rẻ được thực hiện chỉ để đưa các kỹ sư và nhân viên khác của họ vào biên chế Facebook.
Mỹ đã báo hiệu sẽ chú ý nhiều hơn đến các giao dịch nhỏ: Vào tháng 9, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã công bố phân tích 616 giao dịch được thực hiện bởi Facebook, Google và các công ty công nghệ lớn khác trong thập kỷ qua không đủ lớn để kích hoạt các quy định sự giám sát.
Song, sự tồn tại của báo cáo cho thấy rõ ràng các nhà quản lý nghĩ rằng họ nên xem xét kỹ lưỡng hơn các giao dịch. Ủy viên FTC - Rebecca Slaughter nói rõ hơn: “Tôi nghĩ về việc mua lại hàng loạt như một chiến lược Pac-Man. Mỗi vụ sáp nhập riêng lẻ được nhìn nhận một cách độc lập có vẻ không tác động đáng kể, nhưng ảnh hưởng tập thể của hàng trăm vụ mua lại nhỏ hơn có thể dẫn đến hành vi độc quyền”.
Bạn có thể tranh luận về việc liệu Facebook có độc quyền trên mạng xã hội ngày nay hay không? Facebook rất vui khi chỉ ra sự thành công gần như chỉ sau một đêm của TikTok để lập luận rằng "không". Song, không có lời giải đáp chính xác về sự giàu có và quyền lực khổng lồ của Facebook. Câu hỏi thực sự: Liệu cơ quan quản lý có để Facebook sử dụng những nguồn lực đó để mở rộng sức mạnh trong tương lai không?