Mắc kẹt cả tháng, 22.000 hộp sữa viện trợ giờ mới được thông quan
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:20, 15/11/2021
Cục Hải quan TP.HCM vừa cho biết, lô hàng hơn 22.000 hộp sữa viện trợ từ Úc đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) thực hiện thông quan sau khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cụ thể, Viện Y tế công cộng cộng TP.HCM đã có thông báo gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 về kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng sữa viện trợ.
Theo đó, kết quả kiểm tra ghi nhận bao bì ngoài và bao bì trực tiếp còn nguyên vẹn, rõ ràng với đầy đủ thông tin về sản phẩm. Kết quả kiểm nghiệm một số chỉ tiêu an toàn đối với 3 sản phẩm đạt theo quy định hiện hành.
Trước đó, ngày 12.11, Viện Y tế công cộng TP.HCM đã phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng. Tiếp đó, Cục An Toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM thực hiện thông quan lô hàng nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Tiếp đó, Cục An Toàn thực phẩm cũng đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM thực hiện thông quan lô hàng nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, sự việc 22.000 hộp sữa viện trợ cho trẻ khó khăn bị mắc kẹt không được thông quan đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại phiên thảo luận của Quốc hội, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phản ánh việc lô hàng hơn 22.000 hộp sữa do kiều bào Úc gửi tặng trẻ em khó khăn tại TP.HCM "đã về gần một tháng nhưng chưa lấy ra được".
Bà Châu cho biết, Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y, sau đó Cục Thú y chỉ trong hai ngày đã trả lời đồng ý. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.
Trong khi đó, đại diện Cục An toàn thực phẩm giải thích, theo Nghị định 15 năm 2018, lô hàng sữa viện trợ này không thuộc diện được miễn kiểm tra, trừ khi được Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm không có thẩm quyền quyết định, nên đã gửi văn bản hướng dẫn địa phương ngay trong ngày.
Bà Châu đặt vấn đề về việc để lô hàng cả tháng chưa lấy ra được là lỗi của ai và tại sao Cục An toàn thực phẩm không tham mưu, nêu chính kiến của mình. Vì vậy, Bà Châu mong muốn Chính phủ tạo cơ chế hành chính thông thoáng, quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, từng cán bộ trong tham mưu những việc cần thiết, không cần "nhờ vả" hay "quen biết", mà việc vẫn chạy, có lợi nhất cho người dân, đặc biệt người dân khó khăn trong đại dịch.
Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, "vì có rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định kịp đi vào cuộc sống".
Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, bất cập liên quan đến thủ tục trong vụ việc 22.000 hộp sữa viện trợ bị mắc kẹt cả tháng, là một bài học cần lưu ý. Thủ tục hành chính cần phải được cải cách một cách nhanh chóng, thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
"Trong bối cảnh còn khó khăn nhiều vì dịch bệnh như hiện nay, tôi cho rằng việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về mặt thủ tục hành chính một cách thông thoáng, nhanh gọn là điều hết sức quan trọng", ông Phú nhấn mạnh.