Phục hồi kinh tế: Cần chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách tăng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:42, 16/11/2021

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát.

Các gói hỗ trợ chưa đủ lớn

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, điểm nổi bật trong chính sách tài khóa của các nước là đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ để phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.

Việt Nam đã triển khai hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa (gồm cả an sinh xã hội) từ đầu năm 2021 đến nay với tổng giá trị khoảng 130.570 tỉ đồng, tương đương 1,64% GDP năm 2020.

cvl.jpg
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Việc triển khai các gói hỗ trợ đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm (nhất là gói cho vay hỗ trợ trả lương…); tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp; DN ở một số lĩnh vực như vận tải, du lịch, giáo dục – đào tạo, bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn rất khó khăn…

Ngoài ra, kinh tế thế giới nói chung, các nước mới nổi và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thách thức lớn là tung ra các gói hỗ trợ nhiều, tín dụng tăng, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng, trong khi ngân sách còn hạn hẹp và nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi.

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng dư địa mở rộng chính sách tài khóa, dư địa các gói hỗ trợ khác còn khá lớn. Nhằm tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhóm đưa ra 8 kiến nghị cụ thể.

Theo đó, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc.

Ngoài ra, cần tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, giảm phí/chi phí, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất hơn là giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ; triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh công nghệ; gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng chống dịch bệnh... nhằm huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp và phát triển bao trùm, bền vững.

Nhóm cũng kiến nghị chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát; chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Về gói hỗ trợ tài khóa, xem xét giảm thuế GTGT (khoảng 1-2%) nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước (trong năm 2022); thúc đẩy bảo lãnh vay DNNVV qua các quỹ bảo lãnh; gói tín dụng hỗ trợ lãi suất (thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường; hỗ trợ 1 phần chi phí đầu vào cho DN (như giảm phí BHXH, phí công đoàn, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chi phí “3 tại chỗ”…).

“Tổng các gói hỗ trợ này chúng tôi ước tính khoảng 400.000 tỉ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỉ đồng (3% GDP); chưa kể phần hỗ trợ an sinh xã hội, và đầu tư của SCIC (như Bộ KHĐT đang đề xuất) do bản chất các khoản đầu tư này là khác”, nhóm nghiên cứu nêu.

Đẩy mạnh cải cách để huy động nguồn lực

Về gói an sinh xã hội, nhóm nghiên cứu cho rằng cần chú trọng hỗ trợ lao động tự do, lao động khu vực phi chính thức; lao động của những DN bị phá sản, thua lỗ; hỗ trợ đào tạo nghề…

Ngoài ra, xem xét giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (hỗ trợ 50% chi phí tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai chuyển đổi số, chi phí mua giải pháp chuyển đổi số cho các DNNVV…); tài trợ (20-30%) cho các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ của DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và 1 số lĩnh vực ưu tiên khác…

Với các gói hỗ trợ này, theo tính toán sơ bộ, nợ công/GDP chỉ tăng khoảng 1-2 điểm %, thâm hụt ngân sách/GDP tăng và có thể khoảng 5,5-6% GDP năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm khá nhanh khi kết thúc chương trình phục hồi và kinh tế lấy lại đà tăng trưởng tích cực (6,5-7%) sau đó.

no-cong.jpg
Cải thiện môi trường kinh doanh , cơ cấu lại nền kinh tế

Nhóm cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2021 và cũng là động lực tăng trưởng trong trung, dài hạn. Theo đó ưu tiên các dự án lan tỏa, triển khai được ngay, đầu tư phát triển hạ tầng số, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, khu vực nông thôn…

Đồng thời, củng cố vị thế thu hút vốn FDI và tạo điều kiện kinh tế tư nhân bứt phá sau đại dịch trên cơ sở cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, vừa để tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp; gia cố năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các rủi ro, cú sốc bên ngoài…

Về huy động nguồn lực, nhóm nghiên cứu đề nghị tiết giảm chi phí tương tự như năm 2021; đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN (có thể thu về khoảng 30-35.000 tỉ đồng mỗi năm); phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước; rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các quỹ tại địa phương; vay các tổ chức tài chính quốc tế, nếu cần.

Cuối cùng, một nguồn lực rất quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Việc này nhằm vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư vẫn còn.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa ở việc giải tỏa các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, các dự án BT, BOT dở dang; đất đai, tài sản công bỏ hoang, vừa góp phần tiết giảm chi phí quản lý, chi phí tuân thủ; tăng thu ngân sách từ tiền thuê đất, tăng niềm tin và động lực cho DN, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động…

Lam Thanh