Đầu tư phát triển hạ tầng số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:30, 16/11/2021

Tại Việt Nam, hạ tầng điện toán đám mây, xác thực số đang được đầu tư phát triển.

Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, Industry 4.0 Summit 2021 là nơi để các cơ quan Nhà nước cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong khuôn khổ sự kiện, chiều 16.11 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Phát triển hạ tầng thông minh và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

dau-tu-phat-trien-ha-tang-so-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia.jpg
Hạ tầng thông minh đóng vai trò quan trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: Internet

Hạ tầng dữ liệu – xu thế tất yếu

Tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với các quốc gia, và có tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực. Hiện ở Việt Nam, các ngành nghề đã ứng dụng nhiều công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh tế số đã được hình thành và phát triển, xuất hiện ngày càng đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực.

Đáng chú ý, các ban, bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số chính sách để chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số nhằm xây dựng một xã hội số, Chính phủ số.

Theo ông Đỗ Ngọc An, tại Việt Nam, hạ tầng điện toán đám mây, xác thực số đang được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vấn đề về hạ tầng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, điển hình như chậm về tốc độ, hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, nhiều doanh nghiệp còn bị động…

Nguyên nhân được cho là từ công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ, thường xuyên phải điều chỉnh, quản lý quy hoạch còn yếu…

Về phía Bộ TT-TT, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long chia sẻ: “Trong xu thế này, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng khi đó là tài nguyên không giới hạn về số lượng. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu là xu thế tất yếu”.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế số, dữ liệu là một loại hàng hóa, việc phát triển hạ tầng kết nối là yếu tố quan trọng của nhiều quốc gia… Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, hầu hết mọi hoạt động đều được chuyển sang mô hình trực tuyến. Cùng với đó, hạ tầng định danh số cũng là yếu tố bắt buộc trong xã hội số.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT-TT đang tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý; phủ sóng di động đến các thôn bản, xây dựng cơ chế chính sách phát triển IoT, AI đạt tiêu chẩn quốc tế…

dau-tu-phat-trien-ha-tang-so-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-2-.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Điện toán đám mây – nền tảng thúc đẩy kinh tế số

Theo Nghị quyết 23-NQ/TW về "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Trong đó, các chính sách KH-CN được nêu ra, bao gồm xây dựng Chương trình chuyển đổi số; phát triển mạnh mẽ tạo sự bứt phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối số (4G, 5G) bảo đảm an toàn, đồng bộ đáp ứng yêu cầu Internet kết nối con người và kết nối vạn vật.

Tuy nhiên, về thực trạng triển khai tại Việt Nam, ông Phạm Anh Đức - Phó tổng giám đốc, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng hạ tầng CNTT, hạ tầng số ở các đơn vị vẫn còn trong tình trạng “tự xây dựng, không thể chia sẻ được giữa các tổ chức với nhau, nguồn nhân sự phục vụ cho hạ tầng số ở các đơn vị chưa đảm bảo…”.

Điều đáng nói, việc xây dựng hạ tầng CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương chưa tuân theo được tiêu chuẩn cung cấp hạ tầng dịch vụ CNTT trên thế giới.

Trên thế giới, các quốc gia đã có chiến lược rõ ràng về điện toán đám mây, viễn thông. Theo ông Đức, ở Mỹ và Anh đã có Đám mây Chính phủ, ở Pháp có Chiến lược quốc gia về điện toán đám mây. Các nước đang phát triển ở xung quanh Việt Nam cũng từng bước đẩy mạnh các hạ tầng băng rộng. Điển hình như Malaysia có Chiến lược quốc gia về IoT, ở Ấn Độ có Hệ thống băng thông rộng cho nông thôn...

Quay trở lại với câu chuyện xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số tại Viettel, ông Đức chia sẻ rằng Viettel có các nền tảng cơ bản chuyển đổi số (hạ tầng thanh toán, định danh và xác thực điện tử…); hạ tầng trung tâm dữ liệu (mô hình cloud đảm bảo năng lực tính toán, lưu trữ và dịch vụ quản trị vận hành); hạ tầng kết nối (hạ tầng băng rộng 5G…); hạ tầng thiết bị IoT; hạ tầng an toàn thông tin; hạ tầng bưu chính, chuyển phát.

Liên quan đến vai trò của điện toán đám mây, ông Phan Hồng Tâm - Giám đốc khối Hạ tầng, FPT Smart Cloud nhấn mạnh tới việc Cloud sẽ đặt nền móng thúc đẩy sử phát triển của nền kinh tế số của đất nước.

"Điện toán đám mây sẽ là lời giải cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nó mang tới 4 lợi ích cốt lõi, bao gồm tính nhanh chóng; tính linh hoạt; tính co giãn; tính thông minh (cơ sở hạ tầng về Big Data…)", ông Tâm phân tích.

Theo ông Đức, để thúc đẩy phát triển hạ tầng số cần khuyến khích đầu tư hạ tầng; trong đó ưu tiên sử dụng giải pháp hạ tầng số trong nước. Lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số quan trọng, điều này cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước uy tín, kinh nghiêm.

Cuối cùng, xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số bên cạnh việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hạ tầng, thiết bị phục vụ triển khai.

Thu Anh