Phóng viên tờ Straits Times kể về cuộc sống ‘Zero COVID’ ở Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 10:20, 17/11/2021

Danson Cheong - phóng viên tờ Straits Times (Singapore) thường trú Bắc Kinh - kể về cuộc sống đầy bất ổn của người dân Trung Quốc khi chính quyền nước này quyết giữ chính sách “Zero COVID”.

2 tuần trước, nhân viên làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước tại Bắc Kinh nhận được thông báo từng có người đến trụ sở nên tất cả phải cách ly ngay lập tức.

Hơn 4.000 người được xét nghiệm trong đêm và mẫu môi trường quanh trụ sở cũng được lấy. Công việc bị ngừng đột ngột khiến mọi người thấy khó chịu, nhưng ngăn chặn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.

Vậy là một người bạn của phóng viên Cheong trải qua 14 ngày cách ly tại công sở: ban đầu phải ngủ trên ghế sofa, sau ngủ giường dã ngoại gấp gọn trước khi được chuyển đến “khách sạn dã chiến” lập tại chỗ. Người bạn này có thể rời khỏi chỗ làm vào ngày 16.11.

Biện pháp trên có vẻ hà khắc ở quốc gia khác, nhưng ở Trung Quốc (nơi người dân vẫn thấy kinh hoàng khi nhìn vào số ca nhiễm cao mà nhiều nước khác ghi nhận) đây là điều mà ai cũng chấp nhận tuân thủ.

Cách tiếp cận cứng rắn với loạt biện pháp đóng chặt biên giới, phong tỏa nhanh chóng, xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng rộng rãi giúp Trung Quốc kiểm soát đại dịch khá tốt thời gian qua.

Tuy nhiên biến thể Delta dễ lây lan hơn đem lại thách thức lớn cho chính sách “Zero COVID” Trung Quốc theo đuổi. Trong đợt bùng phát hiện tại, 21 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm, mỗi ngày vài chục ca.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh nay biến thành trò chơi đập chuột quy mô lớn. Giới chức các địa phương cố gắng đi trước nhằm đối phó biến thể Delta bằng cách phong tỏa ngay tức khắc nhiều trung tâm mua sắm, tòa nhà công sở, khu dân cư.

Thủ đô Bắc Kinh chịu áp lực đặc biệt lớn khi Olympic mùa đông cận kề. Cuối tuần qua chính quyền thành phố thông báo kể từ ngày 17.11, người đến Bắc Kinh phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Ngày 11.11, trung tâm thương mại Raffles City (Bắc Kinh) đóng cửa do một F1 từng đến. Người làm việc ở tòa nhà văn phòng liền kề - nơi Straits Times đặt văn phòng đại diện - đều được xét nghiệm.

af_beijingguards_121121.jpg
Thủ đô Bắc Kinh chịu sức ép phải kiểm soát tốt dịch bệnh trước thềm Olympic mùa đông - Ảnh: Straits Times

Đầu tháng 11, công viên giải trí Disneyland Thượng Hải bất ngờ đóng cửa 2 ngày vì một khách tham quan có kết quả dương tính. Khoảng 34.000 người không được rời khỏi cho đến khi họ có kết quả âm tính.

Thành phố Đại Liên ngày 14.11 phong tỏa làng đại học Trang Hà trên địa bàn, “giam lỏng” hơn 1.500 người bên trong.

An toàn được đánh đổi bằng quyền tự do cá nhân. Người dân Trung Quốc hiện vẫn xem đây là “món hời” có thể chấp nhận, nhưng cái giá cho an toàn ngày một tăng khi nước này phải đối phó với nhiều biến thể vi rút dễ lây lan hơn.

hzdisney151121.jpg
Nhân viên và khách tham quan công viên Disneyland Thượng Hải bị "nhốt" trong đêm - Ảnh: Straits Times

Ở một đất nước 1,4 tỷ dân, chắc chắn không phải ai cũng đồng tình với chính sách “Zero COVID”. Người có nuôi thú cưng cảm thấy rất lo lắng trước loạt thông tin chính quyền một số địa phương tiêu hủy chó mèo để phòng dịch nếu chủ nhân của chúng dương tính hoặc phải đi cách ly.

Cư dân thành phố Thụy Lệ (Vân Nam) chìm trong tuyệt vọng vì nơi đây chịu cảnh phong tỏa hơn 6 tháng trong năm nay, ca nhiễm là người nhập cảnh liên tục được ghi nhận.

Nỗi thất vọng cùng sự mệt mởi ở nhiều người Trung Quốc ngày càng tăng, tình trạng gián đoạn vì phong tỏa tiếp tục khiến hoạt động kinh doanh và du lịch bị thiệt hại. Nhưng giới chức Trung Quốc vẫn khẳng định quyết tâm giữ vững “Zero COVID”.

Cẩm Bình