PGS-TS Vũ Sỹ Cường: Cần thiết kế thêm các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:09, 17/11/2021
Nhiều thách thức trong chính sách tài khóa
Nói về thách thức với chính sách tài khóa cho 2022, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Vũ Sỹ Cường cho rằng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021-2025 rất khó dự đoán, vì phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống chọi với dịch bệnh. Cụm từ “suy giảm”, “bấp bênh” vẫn được nhắc đến bởi nhiều nguyên nhân, dịch bệnh, rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung kéo dài…
Một thách thức khác là rủi ro lạm phát trên toàn cầu. Lý do là tiêu dùng bật tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế, lực cầu tăng mạnh đến nỗi cung không đuổi kịp. Giá năng lượng, nguyên liệu tăng vọt trên toàn cầu.
Cũng theo ông Cường, một rủi ro nữa là bất ổn từ quá trình thay đổi chính sách vĩ mô toàn cầu trong đó có vấn đề chuyển đổi mô hình tiêu dùng và chiến tranh thương mại.
Thách thức khác đến từ chủ nghĩa bảo hộ. Chính sách thương mại không còn được định hình bởi hiệu quả kinh tế như trước đây mà được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, từ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường cho đến cả mong muốn trừng phạt các đối thủ địa chính trị.
Mở rộng các gói hỗ trợ
Đề cập đến định hướng chính sách tài khóa cho năm 2021 và trung hạn, ông Cường cho rằng dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc lường thu mà chi. Ngoài ra, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp.
“Việc lập dự toán ngân sách thận trọng là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song cần tránh quá cứng nhắc trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định. Dù chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ ngân sách nhà nước vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư”, ông Cường nêu.
Theo ông Cường, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của COVID-19, vì vậy kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
“Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh, vì vậy cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế”, ông Cường nhận định.
Ông Cường cũng đề nghị xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Ngân hàng thế giới dự báo, COVID-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Vì vậy, chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau COVID - 19 cần được chú ý đặc biệt.
Trong khi chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít và quá thận trọng (thấp hơn trung bình các nước trong khu vực). Tổng gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đến 9.2021 (cả gián tiếp và trực tiếp) chỉ vào khoảng 2,84 % GDP.
Để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất, ông Cường đề xuất nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí (doanh nghiệp bỏ chi phí thì nhà nước sẽ hỗ trợ tăng thêm bằng giảm trừ thuế TNDN phải nộp).
“Việt Nam có thể tăng mức hỗ trợ về tài khóa lên 3 % GDP cho liên tục 2 năm tài khóa 2021-2022 mà không vi phạm trần nợ công. Như vậy, Việt Nam cần xem xét thiết kế thêm các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ngoài các chính sách hiện có”, ông Cường nêu.
Chấp nhận bội chi cao, vay nợ nhiều hơn
Theo đó, kịch bản 1: tương đối khả quan (GDP năm 2022 tăng 5.2 %, năm 2023-2025 tăng trung bình 6.2 %, lãi suất thực trung bình 3.8%, bội chi NSNN năm 2021 là 6.4 % và 2022 là 6.1 % GDP (do sử dụng gói hỗ trợ khoảng 3 % GDP cho 2 năm 2021- 2022) thì nợ công sẽ là 54.8% năm 2022 và sau đó giảm dần xuống 49.6 % GDP vào năm 2025.
Kịch bản 2: các giả thiết tương tự kịch bản 1 nhưng do lạm phát cao hơn nên lãi suất thực giai đoạn 2022-2023 có thể là 5.6-5.7 %. Trong kịch bản này, nợ công có thể tăng lên cao nhất là 57.4 % GDP vào 2023 và sau đó giảm dần (nợ công cả giai đoạn 2021-2025 là khoảng 53 % GDP).
“Trong bối cảnh dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội thì cần chấp nhận mức bội chi ngân sách và nợ công cao hơn ở ngắn hạn và từng bước điều chỉnh về dài hạn”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, cần điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi cho y tế trong ngân sách nhà nước. Việc tập trung quá nhiều nguồn lực vào y tế dự phòng (xét nghiệm và các hoạt động cách ly, truy vết không còn hiệu quả với chủng Delta) trong khi chi cho hoạt động khám chữa bệnh lại không đủ cũng là lý do của khủng hoảng y tế ở TP.HCM vừa qua. Vì vậy, cần bố trí đủ nguồn lực cho mua vắc xin không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn 2021-2025, đồng thời tăng chi phí cho điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cũng theo ông Cường, điều này đặt ra những vấn đề cho chính sách tự chủ tài chính ở các bệnh viện công hiện nay. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của chi tiêu y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh với tình trạng yêu cầu xét nghiệm lớn như hiện nay.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng).
Để huy động nguồn có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối; xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và tái cơ cấu lại nợ công; chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội…
“Dịch bệnh là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được như triết lý mà Bác Hồ đã từng viết: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ông Cường nêu.