Đẩy mạnh dùng pin mặt trời giúp ngư dân bám biển
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:42, 18/11/2021
Trong thời gian nước ta thực hiện giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, ngư dân cũng không ra biển để thực hiện đúng tinh thần ai ở đâu, ở yên đó. Sau khi việc giãn cách được nới lỏng, các ngư dân lại sẵn sàng ra khơi. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu thế giới tăng vọt khi các nền kinh tế lớn hoạt động trở lại đã ảnh hưởng đến ngư dân nước ta.
Không ít tàu đánh cá của ngư dân tại các tỉnh duyên hải miền nam và Nam trung bộ… vẫn đang nằm bờ sau khi giá xăng dầu tăng mạnh. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để ngư dân với sự hỗ trợ của chính quyền thay đổi một chút về công nghệ để giúp các chuyến ra khơi sau này tiết kiệm năng lượng hơn, an toàn hơn và cả bảo vệ môi trường tốt hơn. Đó chính là: Lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các tàu cá.
Nguồn điện trên các tàu cá chủ yếu là từ động cơ của tàu. Điều này dẫn đến sự bất tiện là khi động cơ không hoạt động thì nguồn điện cũng tạm ngừng. Việc lạm dụng động cơ hoạt động dài để cấp điện không chỉ gây tốn nhiên liệu mà còn khiến động cơ quá tải, dễ dẫn đến những sự cố trên biển.
Nhưng nếu lắp pin mặt trời trên các tàu cá thì vấn đề điện sẽ không còn phụ thuộc vào động cơ hoạt động nữa. Cái lợi đầu tiên là sự an toàn. Khi động cơ tàu cá gặp sự cố mà không còn nguồn cấp nào khác, ngư dân sẽ không có điện dùng cho các thiết bị để liên lạc với đất liền. Nhưng nếu lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, ngư dân sẽ có nguồn điện ổn định để duy trì các thiết bị liên lạc và yên tâm hơn khi đánh bắt xa bờ dài ngày.
Ngoài an toàn thì việc lắp pin mặt trời còn mang lại những lợi ích kinh tế lâu dài. Ông Trần Văn Công, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng cho biết: “Ưu điểm của pin năng lượng mặt trời là nguồn điện ổn định, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; tiết kiệm dầu chạy máy phát điện, giảm thiểu rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, không có tiếng ồn, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường… Về hiệu quả kinh tế, khi sử dụng pin năng lượng mặt trời, mỗi chuyến biển, ngư dân tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền dầu chạy động cơ để có điện phục vụ sinh hoạt trên tàu”.
Công suất từ nguồn pin mặt trời phụ thuộc vào quy mô lắp đặt. Hiện các tàu cá ở nước ta chủ yếu là tàu nhỏ nên chỉ lắp đặt chỉ được khoảng vài mét vuông panel năng lượng mặt trời. Thực ra không gian trên tàu tuy rộng nhưng các chỗ trống trên các tàu cá lại thường được người dân dùng để phơi cá hay để các dụng cụ đánh bắt
Hiện cứ 7m2 lắp đặt có thể tạo ra 1 kWp pin năng lượng mặt trời mỗi ngày trong điều kiện nắng tốt nên mỗi tàu có thể thu được từ 1 - 2 kWp (kWp là đơn vị công suất của pin năng lượng mặt trời tương đương 3 - 4 kWh điện/ngày). Các tàu cá được lắp đặt các tấm pin để hấp thụ năng lượng mặt trời khoảng 1kWp mỗi ngày, cộng thêm 2 bình ắc quy dùng để tích điện nạp từ pin năng lượng mặt trời; một hệ điều khiển nạp dùng để điều khiển và theo dõi quá trình nạp điện từ pin năng lượng mặt trời vào bình ắc quy thì cũng đủ dùng cho đèn, quạt, radio, bộ định vị GPS, máy tầm ngư, radar… trên các tàu cá trong một ngày. Nếu các tàu cá được trang bị tấm pin năng lượng mặt trời công suất lớn hơn kèm hệ thống ắc quy chuẩn thì không chỉ đủ cấp nguồn cho thiết bị hàng hải mà còn đủ hệ thống chiếu sáng sinh hoạt ban đêm, thậm chí cả đèn đánh cá.
Với những lợi ích về mặt kinh tế, môi trường, việc ứng dụng pin năng lượng mặt trời cho tàu cá nên được nhân rộng hơn. Trở ngại lớn khiến ngư dân ngại lắp pin mặt trời vẫn là chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn khoảng vài chục triệu đồng và họ cũng lo ngại nếu gặp sự cố với một thiết bị mới.
Do vậy, các cấp chính quyền cần phải có những biện pháp hỗ trợ để ngư dân có thể tiếp cận vốn ưu đãi, công nghệ đồng thời tuyên truyển để ngư dân hiểu rõ hơn những lợi ích, hiệu quả từ việc sử dụng năng lượng mặt trời.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”