Người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm SARS-CoV-2 về lâu dài có thể bị các vấn đề sức khỏe, tử vong
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 20/11/2021
Nhiễm COVID-19 đột phá làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, tử vong
Một nghiên cứu lớn cho thấy COVID-19 thường ít nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đã được tiêm vắc xin nhưng điều đó không có nghĩa là các ca nhiễm đột phá (tiêm 2 mũi vẫn nhiễm SARS-CoV-2) sẽ lành tính.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu do Cơ quan Quản lý Các vấn đề Cựu chiến binh Mỹ thu thập từ 16.035 người sống sót sau đợt nhiễm COVID-19 đột phá, 48.536 người khỏi COVID-19 được tiêm vắc xin và gần 3,6 triệu người không nhiễm SARS-CoV-2.
Vào thời điểm 6 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, khi tính đến các yếu tố nguy cơ của họ, những người nhiễm đột phá có tỷ lệ tử vong và các vấn đề sức khỏe kéo dài thấp hơn so với người khỏi COVID-19 không được tiêm vắc xin. Song so với những người chưa bao giờ mắc COVID-19, những người bị nhiễm đột phát có nguy cơ tử vong cao hơn 53% và nguy cơ mắc ít nhất một tình trạng bệnh mới cao hơn 59%, đặc biệt là các vấn đề ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan khác.
Ngay cả khi những ca nhiễm COVID-19 đột phát không cần nhập viện, nguy cơ tử vong gia tăng và ảnh hưởng lâu dài là "không hề nhỏ", nhóm nghiên cứu đã báo cáo trên trang Research Square trước khi được đánh giá đồng cấp.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Gánh nặng tổng thể về tử vong và bệnh tật sau khi bị nhiễm COVID-19 đột phá có thể sẽ rất lớn”.
Áp dụng hộ chiếu vắc xin mà không xét nghiệm dễ bỏ sót các ca nhiễm SARS-CoV-2
Dữ liệu của Israel cho thấy áp dụng hộ chiếu vắc xin miễn cho những người được tiêm vắc xin khỏi xét nghiệm COVID-19 thường xuyên dễ gây bỏ sót nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở những công dân quay trở lại Israel thông qua sân bay Ben-Gurion, những người được yêu cầu xét nghiệm PCR khi đến nơi bất kể tình trạng tiêm vắc xin.
Retsef Levi của MIT Sloan School of Management (Mỹ), đồng tác giả của một báo cáo được đăng trên máy chủ SSRN (Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội), cho biết: “Đáng ngạc nhiên là vào tháng 8.2021, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở những người đã tiêm vắc xin cao hơn gấp đôi so với những người chưa được tiêm chủng. Những khách du lịch đã tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer - BioNTech trong vòng 6 tháng qua hoặc những ai đã nhận một liều tăng cường (thứ ba) được coi là đã tiêm chủng. Nhóm được coi là chưa tiêm chủng bao gồm những người chưa bao giờ chích ngừa và những ai có lần tiêm gần đây nhất là hơn 6 tháng trước, với bằng chứng về hiệu quả của vắc xin suy giảm vào thời điểm đó.
Vào tháng 9, khi chính phủ Israel khuyến nghị tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả người lớn, tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã giảm ở những người đã tiêm phòng và thấp hơn khoảng 3,5 lần so với khi không tiêm. Đến tháng 10, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở nhóm được tiêm vắc xin, mặc dù vẫn thấp hơn, đã bắt đầu tăng trở lại”.
Dữ liệu cho thấy việc hạn chế xét nghiệm COVID-19 thường xuyên sẽ "gây ra những rủi ro tiềm tàng là củng cố thông tin sai lệch rằng những ai đã tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ khỏi nhiễm vi rút".
Khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội vẫn đáng giá
Các nhà khoa học đã xem xét 72 nghiên cứu trước đây, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách có liên quan đến việc giảm sự lây lan của COVID-19 và cần được tiếp tục. Khi phân tích chi tiết kết quả từ 8 trong số các nghiên cứu, họ thấy tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 53% khi đeo khẩu trang và giảm 25% khi giữ khoảng cách vật lý.
Các nhà nghiên cứu được báo cáo trên tờ The BMJ vẫn chưa có đủ dữ liệu để xác nhận lợi ích tổng thể của các biện pháp nghiêm ngặt hơn như phong tỏa, đóng cửa trường học và nơi làm việc, đóng cửa biên giới.
Rất ít trong số các nghiên cứu được phân tích là các thử nghiệm ngẫu nhiên, vì vậy chúng không thể chứng minh các biện pháp can thiệp trực tiếp làm giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận: "Có khả năng việc kiểm soát đại dịch COVID-19 hơn nữa không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin cao và hiệu quả của nó mà còn nhờ việc tuân thủ liên tục các biện pháp sức khỏe cộng đồng hiệu quả và bền vững".