Thổ cẩm, chợ tình: Những tinh hoa của Tây Bắc đã được tái hiện
Văn hóa - Ngày đăng : 22:45, 21/11/2021
Nhằm tái khởi động cho hoạt động du lịch thích ứng trong tình hình mới, kiểm soát hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, khẳng định Lào Cai là điểm đến an toàn, Fesstival "Tinh hoa Tây Bắc- Hương sắc Lào Cai" đã được 8 tỉnh Tây Bắc đồng thuận nhằm tôn vinh những tinh hoa văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trong chuỗi sự kiện, hoạt động trình diễn những trang phục thổ cẩm của các dân tộc vùng Tây Bắc đã thật sự thu hút sự chú ý của người dân cũng như khách du lịch. Câu chuyện tình yêu với 8 nhà thiết kế thời trang đến từ mọi miền đất nước và từ tỉnh Lào Cai đã thật sự dệt nên những màu sắc khó quên ở tỉnh miền núi phía Bắc này. Câu chuyện về thổ cẩm lấy cảm hứng và chất liệu từ cuộc sống, sinh hoạt đời thường, nền văn hóa truyền thống và những di sản của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Sa Pa.
Các nhà thiết kế đã phả vào đó hơi thở của thời đại để những bộ trang phục trở thành một biểu tượng về văn hóa, về những tinh hoa của nền văn hóa đa dân tộc của mảnh đất Sa Pa, có khả năng truyền tải được những thông điệp về văn hóa, tín ngưỡng, khát vọng ngàn đời về sự ấm no, an lành, tình yêu và hạnh phúc của những con người nơi đây. Mặt khác, cũng chính những bộ trang phục này lại tiếp thêm sức sống và tạo cơ hội phát triển cho nền văn hóa truyền thống, những tinh hoa của các dân tộc đang có nguy cơ mai một.
Đêm khuya, khi màn sương lan dần từ các triền núi và thung lũng tràn vào thị xã Sa Pa khiến phố xa trở nên mờ sương là lúc phiên Chợ tình Sa Pa được khởi động. Những sinh hoạt truyền thống của bà con dân tộc vùng cao cùng các sản vật tự tay họ trồng cấy, nuôi nấng, hái lượm được đều đem xuống chợ. Càng về khuya, những sinh hoạt buôn bán đã nhường chỗ cho sinh hoạt văn hóa tinh thần của các lớp thanh niên nam nữ đang hừng hực cháy ngọn lửa khát khao yêu đương và khám phá.
Phiên chợ tình tái hiện đã phục dựng lại một số phong tục của bà con dân tộc thiểu số và các nam nữ thanh niên như hò hẹn, bắt vợ của người H’mong, các tục lệ cưới hỏi của người Dao, nơi buôn bán giới thiệu các sản vật của bà con và những sinh hoạt đời thường như dệt cửi, may vá, thêu thùa, khu ẩm thực với những món ăn đặc trưng của một số đồng bào dân tộc như món thắng cố Bảo Hà, xôi nếp nương ngũ sắc, lò rượu ngô thơm phức bên bếp lửa bập bùng....
Những diễn xướng dân gian được thực hiện trên nền các bài hát dân ca của các cô gái vùng cao thi hát đối, tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt, bối cảnh là hoa lá cỏ cây, là khung cảnh những bản làng làng chìm trong sương bảng lảng, những mảnh ruộng bậc thang vàng óng trên lưng chừng núi xanh. Hình ảnh phiên chợ tình và câu chuyện tình yêu thổ cẩm đã được tái hiện đã khẳng dịnh đây là nét văn hóa dụ lịch độc đáo và đặc sắc, cần bảo tồn, gìn giữ và tái hiện thường xuyên, trở thành một điểm hấp dẫn của Lào Cai trong suốt dọc chiều dài lịch sử của đất nước.