Quảng Trị thúc đẩy kinh tế sau dịch bằng công nghiệp năng lượng
Sự kiện - Ngày đăng : 10:35, 22/11/2021
Vắc xin là giải pháp quan trọng nhất trong công tác đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đưa nền kinh tế trở lại với trạng thái bình thường. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuyển đổi trạng thái sang bình thường mới sau dịch bệnh tại tỉnh Quảng Trị đang được thực hiện đúng tiến độ với tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 đạt đến khoảng 40%, mũi 1 gần 95% và dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chuyển đổi trạng thái, địa phương đã và đang chú trọng các biện pháp phòng dịch từ bên trong ở các khu tổ dân phố, phường, xã, thị trấn đến huyện thị xã… thay vì siết chặt kiểm soát từ bên ngoài. Có thể nói, tỉnh Quảng Trị đã chấp nhận mở cửa để sống chung với dịch.
Để thực hiện kiểm soát dịch bệnh từ bên trong, ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã được tăng cường đầu tư trang thiết bị về tận các xã vùng miền núi, biên giới. Qua đó, thực hiện phương án dịch bùng chỗ nào là khoanh vùng dập dịch ngay tại chỗ nhanh chóng.
Cùng vượt qua khó khăn
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng lâm vào tình cảnh khó khăn. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành những nghị quyết về vấn đề hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện cụ thể hoá các nghị quyết của Trung ương. Dù nguồn ngân sách hạn chế nhưng tỉnh Quảng Trị cũng đã có phương án hỗ trợ các gia đình chính sách, người lao động gặp khó khăn yên tâm chống dịch.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ về thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác nhằm cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Để đảm bảo an toàn tối đa trong các khu nhà máy, khu công nghiệp, tỉnh đã tạo điều kiện cho công nhân làm việc trong các doanh nghiệp được tiêm vắc xin đủ liều, đạt tỷ lệ đến 100%.
Hiện nay, công tác vận động tạo công ăn việc làm cho người lao động bị thất nghiệp sau dịch bệnh đang được tích cực triển khai. Số lượng người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm, những người mong muốn quay lại các tỉnh phía Nam sau dịch cũng sẽ được tạo điều kiện tối đa.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đang có số lượng người lao động ngoại tỉnh đến công tác và làm việc khá nhiều, chủ yếu làm việc tại các dự án công nghiệp năng lượng. Để giảm thiếu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào, địa phương cũng đã khuyến cáo người lao động cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm biện pháp 5K. Có thể nói việc duy trì ngành công nghiệp năng lượng chính là nỗ lực của Quảng Trị trong việc duy trì thế mạnh để tạo đà phát triển sau dịch.
Mũi nhọn phát triển sau dịch
Ngành công nghiệp năng lượng là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Quảng Trị trong thời gian sắp tới. Sau thời gian thi công, 18/20 dự án điện gió đã bắt đầu đi vào hoạt động, số còn lại đang nỗ lực để sớm hoàn thành.
Điện gió là loại năng lượng sạch, thân thiện với môi trường phát triển bền vững ở cả 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường, tạo ra 3 sinh gồm sinh điện - sinh kế - sinh thái. Loại năng lượng này sẽ tạo nên bước đột phá cho ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Công nghiệp điện khí cũng đã bước đầu đặt chân đến Quảng Trị khi Chính phủ đã cấp chủ trương đầu tư cho một tập đoàn đến từ Nga đầu tư nhà máy điện khí có công suất dự kiến lên tới 340MW.
Tháng 10.2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn I (1.500 MW) cho Tổ hợp các nhà đầu tư, bao gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỉ đồng (hơn 2,3 tỉ USD).
Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cũng được xác định đóng vai trò chủ lực trong quá trình khôi phục kinh tế sau dịch bệnh. Hiện tại, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sổ, mới đây nhất sản phẩm cam K4 đã được đưa lên sàn điện tử, sau đó được bày bán lên các kệ hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart. Ở lĩnh vực đánh bắt thuỷ sản, tàu thuyền bắt đầu ra khơi trở lại, hầu hết ngư dân ở tỉnh Quảng Trị đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ để đảm bảo an toàn. Có thể nói bằng sự chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, Quảng Trị đang từng bước khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”