Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính khiến số ca sinh năm 2020 tại Trung Quốc giảm mạnh
Văn hóa - Ngày đăng : 12:31, 23/11/2021
Theo một bài báo nghiên cứu mới, số trẻ sơ sinh tại Trung Quốc đã giảm 45% trong 2 tháng cuối năm 2020 so với năm cuối cùng của chính sách một con 5 năm trước đó. Nguyên do là vì đại dịch COVID-19 đã làm giảm việc muốn đẻ con ở những phụ nữ dưới 30 tuổi.
Các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 12 triệu trẻ sơ sinh trong năm ngoái, giảm từ 14,65 triệu vào năm 2019. Điều này đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019 và tỷ lệ sinh con xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập niên, trong khi tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục. Cứ 1.000 người thì 8,52 ca sinh.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ sinh rơi vào các con số đơn lẻ, theo Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021 do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố gần đây.
Số lượng trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã có xu hướng giảm do dân số phụ nữ dưới 30 tuổi giảm. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 dẫn đến tình trạng phong tỏa trên toàn quốc trong những tháng đầu năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Renmin (Trung Quốc) đã sử dụng dữ liệu sinh của Trung Quốc vào năm 2015, năm cuối cùng của chính sách một con làm cơ sở và phát hiện ra rằng sự gia tăng số ca sinh chỉ kéo dài 2 năm do số trẻ sơ sinh sinh hàng tháng trong năm 2018 và 2019 vẫn thấp hơn mức đã thấy vào năm 2015 với mức giảm hàng tháng từ 10 – 15%.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí Nghiên cứu Dân số - một tạp chí học thuật quốc gia, số ca sinh trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2015 do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ dưới 30 tuổi so với những phụ nữ lớn tuổi hơn.
Theo cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được tiến hành vào cuối năm ngoái, tổng dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,412 tỉ người vào năm 2020, từ 1,4 tỉ người vào năm 2019, NBS xác nhận vào tháng 5.
Kế hoạch sinh con của phụ nữ dưới 30 tuổi vào năm ngoái phần lớn đã bị gián đoạn và phải trì hoãn do đại dịch. Tỷ lệ sinh giảm 23,26% so với năm 2019, trong đó số phụ nữ sinh con đầu lòng giảm 22% và số phụ nữ sinh con thứ hai giảm 26%.
Trong tháng 11 và tháng 12. 2020, số lần sinh của phụ nữ dưới 30 tuổi đã giảm từ 30 – 40% so với năm 2019.
Chính sách một con của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1980 và được thực thi nghiêm ngặt với các hình phạt bao gồm phạt tiền đối với những người vi phạm, song bình thường là bắt buộc phá thai. Chính sách này chính thức kết thúc vào tháng 1.2016 theo hướng ủng hộ chính sách hai con trước khi Trung Quốc đưa ra chính sách ba con vào tháng 5.2021 sau kết quả của cuộc điều tra dân số năm 2020.
Trong khi số lượng sinh con thứ hai tăng trong 4 năm sau khi chính sách một con được dỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng chậm lại và vào năm 2020, số lượng sinh con thứ hai thấp hơn 19,4% so với năm 2015.
“Bất chấp sự phát triển kinh tế và các biện pháp khuyến khích sinh con hiện có, động lực sinh con thứ hai ngày càng suy giảm”, báo cáo nghiên cứu cho biết.
Huang Wenzheng, nhà nhân khẩu học thuộc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết Trung Quốc nên đưa ra các chính sách phúc lợi và kích thích để khuyến khích sinh con và khiến người dân có quan điểm tích cực hơn về việc sinh con.
Huang, người nghiên cứu về dân số Trung Quốc cho biết: “Các biện pháp hỗ trợ sinh sản tại Trung Quốc không đủ khích lệ và không đủ toàn điện trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra”.
Trung Quốc đã mất 12 năm để tăng dân số từ chỉ hơn 800 triệu năm 1969 lên hơn 1 tỉ năm 1981, thêm 14 năm nữa để tăng thêm 200 triệu người năm 1995. Sau đó, Trung Quốc mất 24 năm để dân số tăng từ 1,2 tỉ năm 1995 lên hơn 1,4 tỉ năm 2019, theo dữ liệu chính phủ.
Quy mô trung bình của các hộ gia đình ở Trung Quốc cũng giảm xuống 2,62 người vào năm ngoái, từ 3,44 người năm 2000 và 4,41 người năm 1982, theo điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được công bố vào tháng 5.
Số lượng ca sinh ở một số vùng ở Trung Quốc giảm liên tục trên 10% trong năm nay đã làm dấy lên những lo ngại về cuộc khủng hoảng dân số ngày càng sâu sắc và kêu gọi sự quan tâm của quốc gia nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng dân số.