Lý do Trung Quốc muốn có ‘Apple-Facebook-Google siêu tích hợp, là một phần của chính phủ’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:21, 23/11/2021

Cây viết Nathan Picarsic và Emily de La Bruyère của trang TechCruch xem xét cách Trung Quốc đàn áp các hãng công nghệ lớn được thúc đẩy bởi chính trị trong nước.

Vào tháng 11.2020, các cơ quan quản lý Trung Quốc đột ngột đình chỉ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng) trị giá 37 tỉ USD của Ant Group tại Hồng Kông và Thượng Hải.

Tháng 7.2021, ngay sau khi dịch vụ gọi xe Didi lên sàn chứng khoán New York (Mỹ), các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố các cuộc điều tra sâu rộng với công ty này, xóa 25 ứng dụng của họ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Tháng tiếp theo, các cuộc công kích của truyền thông nhà nước Trung Quốc làm giảm giá trị Tencent xuống 60 tỉ USD.

Hồi tháng 7.2021, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) yêu cầu các cửa hàng ứng dụng, bao gồm cả App Store của Apple và AppGallery của Huawei, gỡ ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing vô thời hạn, cho đến khi được phê duyệt lại. 25 ứng dụng liên quan đến Didi cũng bị gỡ, với cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.

Wang Sixin, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho rằng những công ty như Didi sở hữu rất nhiều dữ liệu quan trọng về hệ thống đường sá, phương tiện giao thông cũng như thói quen người dùng. Loại dữ liệu này có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.

Ant Group, Didi, Tencent được xem là PayPal, Uber và Facebook của Trung Quốc, là mục tiêu cao nhất trong cuộc đàn áp của chính phủ nước này với các hãng công nghệ lớn. Cuộc đàn áp đó có thể làm thay đổi bối cảnh thương mại của Trung Quốc, do đó có những tác động to lớn với thế giới rộng lớn hơn, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên hiện tại, cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc đang bị hiểu nhầm. Nó đang được coi là một nỗ lực chống độc quyền tương tự như việc đang diễn ra ở Mỹ. Trung Quốc đã khuyến khích cách giải thích này, thúc đẩy nỗ lực của mình bằng ngôn ngữ chống độc quyền với lời hùng biện tương tự Mỹ hay châu Âu.

Thế nhưng, cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc không giống với những nỗ lực chống độc quyền ở Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc không tập trung vào việc tạo ra một thị trường cạnh tranh, mà là để đối phó với bất kỳ thách thức nào với quyền lực của họ, để tăng cường cả quyền kiểm soát trong nước và vị thế trong cạnh tranh địa chính trị. Trung Quốc cũng tập trung vào việc khẳng định một định nghĩa mới về quyền riêng tư, không giống định nghĩa của các cơ quan quản lý châu Âu. Trong đó, chính quyền ông Tập Cận Bình có quyền quản lý tư nhân với tất cả dữ liệu. Đây là những mục tiêu thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc. Mục tiêu là kiểm soát bối cảnh công nghệ trong nước cho chính phủ Trung Quốc và đảm bảo rằng cái trước đóng vai trò là phương tiện phóng chiếu sức mạnh cho cái sau. Điều này làm cho các hành động của Trung Quốc đối lập với nỗ lực chống độc quyền.

Ngược lại, việc chống độc quyền đang diễn ra ở Mỹ liên quan trực tiếp đến tham vọng của Trung Quốc. Bất kỳ tác động nào với các hãng công nghệ lớn của Mỹ với sẽ làm trầm trọng thêm sự bất đối xứng về quy mô và mức độ tập trung làm lệch hướng cạnh tranh công nghệ có lợi cho Trung Quốc.

Các hành động của Trung Quốc dựa trên kiến ​​trúc pháp lý và quy định mới để quản lý dữ liệu, bao gồm Luật bảo mật dữ liệu (DSL) chính thức được triển khai vào tháng 9.2021. Các phân tích của Mỹ có xu hướng mô tả nó như một “luật dữ liệu riêng tư”. Tuy nhiên, DSL không khuyến khích “quyền riêng tư” theo cách mà các quan niệm của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu có thể giải thích thuật ngữ này.

DSL không hạn chế khả năng các công ty thu thập dữ liệu cũng như đảm bảo tính ẩn danh của thông tin. Thay vào đó, luật hạn chế khả năng của họ xuất khẩu dữ liệu ra bên ngoài Trung Quốc hoặc chia sẻ chúng với các thực thể không phải là chính phủ Trung Quốc (đặc biệt là các chính phủ nước ngoài). Đồng thời, chìa khóa của DSL là cho chính phủ Trung Quốc quyền truy cập vào thông tin các công ty. Khi làm như vậy, nó cung cấp quyền kiểm soát trong nước của chính phủ Trung Quốc với dữ liệu.

Theo DSL, dữ liệu cá nhân không thể được mua, bán hoặc vận chuyển theo ý muốn nhưng không phải là quyền riêng tư.

Didi là ví dụ điển hình. Trên thực tế, tội của Didi không phải thu thập thông tin người dùng mà bị cáo buộc lưu trữ dữ liệu đó bên ngoài Trung Quốc và chia sẻ chúng với các cơ quan quản lý nước ngoài như một phần của quy trình IPO. Đây là điểm khác biệt so với các đề xuất ở Mỹ nhằm đưa ra các yêu cầu về khả năng di chuyển dữ liệu và khả năng tương tác sâu rộng nhằm tăng cường quyền riêng tư, cạnh tranh của người tiêu dùng.

ly-do-trung-quoc-muon-co-apple-facebook-google-sieu-tich-hop1.jpg
Chính phủ Trung Quốc buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng, nhưng thực chất xử lý công ty này do chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nước ngoài như một phần của quy trình IPO

Theo tầm nhìn của Trung Quốc, công nghệ thông tin đang thúc đẩy một cuộc cách mạng công nghiệp mới: Cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cuộc cách mạng này, được đặc trưng bởi dữ liệu như một yếu tố sản xuất mới, sẽ định hình lại hệ thống toàn cầu. Dù là chính phủ hay ngành công nghiệp, người chơi có thể kiểm soát việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ dữ liệu sẽ dẫn dắt việc định hình lại hệ thống toàn cầu đó. Trung Quốc tin rằng đây là con đường tạo ra sức mạnh kinh tế, quân sự vô đối cho mình và là một nhà nước giám sát quốc tế không ai sánh được.

Để đạt được điều đó, Trung Quốc đã cam kết xây dựng và quốc tế hóa các kiến ​​trúc kỹ thuật số, bao gồm các mạng như 5G và Internet vạn vật công nghiệp (IoT) cũng như các nền tảng như ứng dụng chia sẻ xe và trung tâm thương mại điện tử. Các hệ thống này đòi hỏi quy mô: Sự tích hợp và tăng trưởng của chúng cần được khuyến khích. Song để mang lại lợi nhuận cạnh tranh cho Trung Quốc như là tài sản địa chính trị, các hệ thống này phải tồn tại dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Vì vậy, trong khi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng và mạng kỹ thuật số, chính phủ Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng chúng làm như vậy theo lệnh của mình. Trung Quốc không muốn Apple, Facebook hay Google tách biệt, mà muốn một Apple-Facebook-Google siêu tích hợp, là một phần của chính phủ.

Cách tiếp cận này có thể biểu hiện trong các động thái chiến thuật giống như nỗ lực chống độc quyền, chẳng hạn như điều tra AliPay và WeChat. Thế nhưng, mục tiêu hành động không phải là tăng cạnh tranh. Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc tìm cách cuốn những người chơi này vào thế độc quyền lớn hơn là chính phủ nước này.

Nếu như chuyện nhà sáng lập Didi đề xuất xảy ra, chính phủ Trung Quốc tiếp quản công ty; Didi sẽ trở thành một phần của nền tảng lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với Apple, Facebook hay Google.

Mỹ sẽ không thể ngăn cản sự trỗi dậy tương đối và ảnh hưởng mạnh mẽ của các hãng công nghệ lớn Trung Quốc nếu cho rằng Bắc Kinh đang phản chiếu cách tiếp cận của mình.

Trên thực tế, Mỹ sẽ tạo điều kiện cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc nếu tấn công Apple, Facebook và Google.

Thay vì coi Apple, Facebook và Google là tài sản quốc gia quan trọng trong việc tiến hành một cuộc cạnh tranh kinh tế và địa chính trị mang tính quyết định, Mỹ lại tập trung vào việc áp đặt chế tài với chúng.

Thay vì chú ý đến cuộc tấn công công nghệ toàn cầu của Trung Quốc và chương trình nghị sự trong nước đẩy lùi nó, Mỹ lại tập trung vào các quy định quá rộng với lĩnh vực công nghệ của mình.

Cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc với các hãng công nghệ lớn là về cạnh tranh, nhưng không phải là cạnh tranh công bằng. Đó là về việc củng cố bàn tay của Trung Quốc khi cạnh tranh để định hình thế giới ngày mai.

Mỹ và Thung lũng Silicon có các công cụ để ngăn chặn điều này: Đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ tham gia vào hệ sinh thái công nghệ nước này trong một cuộc trò chuyện mới về quy định. Những gì Mỹ cần bây giờ là chiến lược cạnh tranh nắm được tin tức thực tế địa chính trị và tầm quan trọng của khu vực công nghệ tư nhân với an ninh quốc gia.

Sơn Vân