40% người dân TP.HCM cần được can thiệp tâm lý do ảnh hưởng giãn cách xã hội
Sự kiện - Ngày đăng : 16:49, 24/11/2021
Đại dịch COVID -19 là một khủng hoảng y tế toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần trong đại dịch bao gồm nhân viên y tế - nhân viên tuyến đầu; công nhân, lao động phi chính thức hoặc lao động tự do, người di cư; phụ nữ và trẻ em có nhu cầu đặc biệt (trẻ bị lạm dụng/ bạo lực, trẻ bị khuyết tật, trẻ em mồ côi - đường phố); người có vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật và bệnh nhân dương tính với COVID -19.
Dịch COVID-19 đã tác động đến tâm lý người dân
Theo TS tâm lý Lê Minh Công- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngoài việc thiếu kiến thức về nguy cơ mắc, thời gian ủ bệnh của vi rút, cách thức lây truyền, điều trị và các biện pháp an toàn gây nên nỗi sợ hãi, lo lắng thì tình trạng phong tỏa hoặc cách ly y tế cũng gây nên các hậu quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần như: rối loạn cảm xúc, stress sau sang chấn, rối loạn giấc ngủ, ám ảnh sợ, nhàm chán, thất vọng và tức giận.
Qua khảo sát 1.338 người tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội cho thấy, những người này đã bộc lộ các triệu chứng lo âu, trầm buồn, căng thẳng- stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung và các triệu chứng cơ thể (đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cơ thể, vai, gáy, căng cơ, biếng ăn).
“Điều đáng nói, những người dân bị lo âu, trầm buồn, căng thẳng- stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt trong thời gian giãn cách xã hội thì có đến 40% người cân được tư vấn, hỗ trợ tâm lý”, TS Công cho biết.
Trong khi đó, những người mắc COVID-19 phải chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tâm thần. Bệnh nhân COVID-19 hay cái chết của người thân, sự bất lực do không thể xử lý các tình huống phát sinh của bản thân hay gia đình đã làm suy sụp tinh thần. Những người bị nghi ngờ, hoặc đã xác nhận nhiễm COVID-19 phần lớn cũng cảm thấy lo âu về khả năng lây lan và tử vong cao. Việc trở thành người bị nghi ngờ mắc, hoặc dương tính và bị cách ly y tế, hay điều trị nội trú dẫn tới cảm giác buồn chán, cô đơn, tức giận, chán nản, sợ hãi, phủ nhận bệnh, tuyệt vọng, mất ngủ, sử dụng chất gây hại, tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
“Một nghiên cứu trên 4.029 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đã chỉ ra rằng những người bị nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng trầm cảm nhiều hơn, và có chất lượng sống liên quan đến sức khỏe thấp hơn những người không bị nghi ngờ mắc”, TS Công nói.
Ngay cả những bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi đã bình phục, theo ông Công vẫn còn phát triển một loạt các rối loạn tâm thần như: rối trầm cảm, lo âu và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ngoài ra, nếu cá nhân có nguy cơ và phải thực hiện các biện pháp an toàn thông thường, có thể phát triển các rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Hơn 50% nhân viên y tế chống dịch bị trầm cảm
TS tâm lý Lê Minh Công cũng nhấn mạnh đến áp lực của nhân viên y tế khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhất là trong đợt dịch thứ 4 vừa qua. Các nhân viên y tế chịu áp lực lớn do cơ sở y tế quá tải và nguy cơ trở thành bệnh nhân COVID -19 bất cứ lúc nào do phải tiếp xúc gần với các ca dương tính. Bối cảnh công việc này dẫn tới các nhân viên y tế phải đối diện với sự cô lập, phân biệt đối xử và kiệt sức nghề nghiệp, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ.
Trong một nghiên cứu mới nhất về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch của 1563 chuyên gia y tế cho thấy có hơn một nửa (50,7%) số người này có các triệu chứng trầm cảm, 44,7% lo âu và 36,1% rối loạn giấc ngủ
Tại Việt Nam một nghiên cứu mới nhất cho thấy, bệnh nhân dương tính, người bị cách ly và nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu có thể trở thành đối tượng bị kỳ thị vì được báo chí, truyền thông quá chú ý.
“Việc bị kỳ thị này làm gia tăng cảm nhận tiêu cực về hình ảnh bản thân và lo lắng về thái độ của mọi người đối với họ, có cảm giác tội lội với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh”, ông Công chia sẻ.
Cùng với các nhân viên y tế làm công tác điều trị, các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyến đầu (nhân viên y tế dự phòng, nhân viên cứu hộ, nhân viên kiểm soát …) cũng có thể phát triển các rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm và lo âu. Tình trạng rối loạn tâm thần gia tăng có thể do đặc trưng công việc có nguy cơ lây nhiễm cao gây ra sự lo sợ. Hơn thế nữa, sự xung đột về chuyên môn, và nỗi sợ hãi bản thân có thể gây ra sự kiệt sức và các triệu chứng cơ thể.
Mặc dù vậy, theo TS Công hiện vẫn chưa có đầy đủ các dịch vụ tư vấn, sàng lọc các vấn đề về sức khỏe tâm thần của các nhân viên y tế, những người có nguy cơ vì tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm COVID – 19. Chính vì thế, Tổ chức y tế cho rằng, nhân viên y tế sẽ gia tăng các rối loạn như: rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm, lo âu và kiệt sức kể cả sau khi đại dịch chấm dứt.