Cần Thơ: Đưa thịt lợn sạch vào chuỗi cửa hàng tiện ích
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:28, 24/11/2021
Đây là hoạt động kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối nhằm đưa nông sản của Cần Thơ vào tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP do Sở Công Thương thực hiện.
Công ty Tường An có trang trại nuôi lợn quy mô trên 2.400 lợn thịt, nuôi theo tiêu chuẩn sạch, an toàn sinh học tại trang trại ở xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ). Trong thời gian đầu, Công ty Tường An sẽ cung cấp thịt lợn cho 14 cửa hàng của Bách hóa xanh tại 2 quận Ô Môn và quận Thốt Nốt và một cửa hàng của hệ thống này ở quận Bình Thủy.
Ngoài ra, công ty này còn đang vận hành 5 cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Cần Thơ với số lượng lợn tiêu thụ bình quân 10 con/ngày.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Phan Thế Tường - Giám đốc Công ty Tường An cho biết công ty có đăng ký kinh doanh nhiều hạng mục trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có chăn nuôi lợn thịt và giống, trang trại của công ty có quy mô 25.000 mét vuông, nằm cách xa khu dân cư theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT. Hiện công ty có 320 lợn nái và 1.200 lợn thịt ở trang trại chính và 1.200 con tại các trại vệ tinh. Mỗi tháng, trang trại có thể đưa ra thị trường 600 lợn thịt, bình quân 20 con/ngày và tối đa có thể đạt 50 con/ngày để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân.
Ông Tường cũng cho biết thêm, sắp tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng liên kết chăn nuôi lợn thịt theo mô hình khép kín, sử dụng con giống, thức ăn đạt chuẩn, đảm bảo nguồn hàng ổn định cho đối tác đồng thời cung cấp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bà Vũ Phi Giao - Giám đốc kinh doanh Bách hóa xanh phụ trách Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cho biết, qua đánh giá của đơn vị chuyên môn, trang trại đến khu vực giết mổ, lợn của Công ty Tường An có chất lượng thịt tốt, giá cả phù hợp với thị trường.
Theo bà Giao, nhiều loại nông sản của Cần Thơ đạt chất lượng tốt, nhưng để kết nối được thì cần có một hợp tác xã đứng ra thu mua của nông dân để đảm bảo sản lượng hàng hóa cung cấp mỗi ngày. “Khi có nguồn cung cấp ổn định thì chúng tôi sẽ xúc tiến, nỗ lực kết nối với các hợp tác xã để đưa thêm các loại nông sản của Cần Thơ như rau củ vào Bách hóa xanh”, bà Giao nói.
Cũng theo bà Giao, mới đây doanh nghiệp cũng đã đi khảo sát một số vùng trồng rau màu ở huyện Phong Điền và nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ) và hiện tại đang trong quá trình xúc tiến các loại giấy tờ để phù hợp với quy cách, có thể đưa vào bày bán tại chuỗi Bách hóa xanh.
Theo đại diện Bách hóa xanh, trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua, mỗi ngày các cửa hàng ở miền Tây của đơn vị này nhập vào từ 9 – 10 tấn rau củ các loại còn thịt từ 3 – 4 tấn. Tại khu vực Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, Bách hóa xanh đang có 132 cửa hàng, trong đó riêng Cần Thơ là 72 cửa hàng.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, việc ký kết hợp tác giữa Công ty Tường An và Bách hóa xanh là thành công bước đầu của việc xúc tiến, kết nối đưa sản phẩm của các doanh nghiệp Cần Thơ vào chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT các ngành chức năng và địa phương để duy trì, phát triển, mở rộng hợp tác giữa hai đơn vị này.