Bị liên tiếp 2 đòn đau về tham vọng phát triển chip, Trung Quốc mong Mỹ - Đài Loan ngừng hợp tác thêm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:12, 24/11/2021

Trung Quốc đã thúc giục Mỹ ngừng tiếp xúc chính thức với các quan chức Đài Loan, sau khi các đại diện hai bên tổ chức đối thoại kinh tế thường niên lần thứ hai vào đầu tuần này.

Lời kêu gọi do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên đưa ra hôm 24.11, sau cuộc thảo luận trực tuyến kéo dài 5 giờ giữa Mỹ và Đài Loan tập trung vào các vấn đề như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, khoa học và công nghệ và an ninh mạng 5G cũng như sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc.

Được coi là Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Mỹ - Đài Loan lần thứ hai, cuộc họp hôm 22.11 đánh dấu dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden có ý định tiếp tục phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo dân chủ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tăng cao.

Cuộc hội đàm diễn ra vài ngày sau khi xu hướng tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc đối mặt với những sóng gió mới, khi Mỹ chuyển sang ngăn chặn gã khổng lồ chip nhớ SK Hynix (Hàn Quốc) vận chuyển thiết bị sản xuất chip tiên tiến đến nước đông dân nhất thế giới.

Các nguồn thạo tin cho Reuters biết, kế hoạch của SK Hynix nhằm đại tu một cơ sở khổng lồ ở Trung Quốc để có thể sản xuất chip nhớ hiệu quả hơn đang gặp nguy hiểm vì các quan chức Mỹ không muốn thiết bị tiên tiến được sử dụng trong quá trình này nhập vào Trung Quốc.

Sự thất bại tiềm tàng có thể khiến SK Hynix, một trong những nhà cung cấp chip nhớ DRAM lớn nhất thế giới từ smartphone đến trung tâm dữ liệu, trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Xem chi tiết tại đây.

Chính phủ Mỹ cũng ngăn cản kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất của Intel tại Trung Quốc.

Đó là hai đòn giáng mạnh vào Trung Quốc tại thời điểm chính quyền Biden đã tìm cách lôi kéo những gã khổng lồ trong ngành sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (trong đó có TSMC) và Samsung Electronics đầu tư vào Mỹ với các hoạt động sản xuất chip mới. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan.

Đài Loan muốn trao đổi chuyên môn về chất bán dẫn để có cơ hội hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực 5G, AI (trí tuệ nhân tạo - PV) và điện tử ô tô”, Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định.

Hôm 22.11, bà Vương Mỹ Hoa, lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Đài Loan dẫn đầu phái đoàn đảo này trong cuộc đối thoại kinh tế với Mỹ, cho biết rằng hai bên nhất trí thúc đẩy an ninh chuỗi cung ứng và hợp tác về dược phẩm, y tế, năng lượng sạch, chất bán dẫn trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu.

Bà Vương Mỹ Hoa đề nghị chính quyền Biden hỗ trợ các công ty Đài Loan ở Mỹ, theo báo cáo từ Central News Agency, phương tiện truyền thông chính thức của đảo này.

bi-giang-2-don-dau-ve-tham-vong-phat-trien-chip-trung-quoc-mong-my-dai-loan-ngung-hop-tac-them1.jpg
Người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Đài Loan -  Vương Mỹ Hoa (phải) trong buổi Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Mỹ - Đài Loan gần đây - Ảnh: CNA

Vào tháng 8.2021, một nhóm phát triển kinh tế ở Arizona (Mỹ) nói đã thỏa thuận với các quan chức phát triển kinh tế Đài Loan để làm cho bang này trở nên hấp dẫn hơn với ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, khi TSMC có nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở thành phố Phoenix (bang Arizona).

Ngoài việc chống lại sự ép buộc kinh tế, các cuộc hội đàm cũng tập trung vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, "thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường an ninh mạng 5G và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Trong khi đó, hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan được kỳ vọng sẽ phụ thuộc vào sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên, theo Arisa Liu - nhà nghiên cứu chất bán dẫn. Bà Arisa Liu chỉ ra rằng thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn, điều mà không một công ty công nghệ cao nào của Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, bỏ qua.

Ví dụ, các kỹ sư Đài Loan đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp phát triển ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

SMIC, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, được thành lập bởi doanh nhân Đài Loan - Richard Chang Rugin. Tuy nhiên, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các công nghệ chip không bị Mỹ trừng phạt thương mại.

Không có triển vọng thực tế nào về việc Trung Quốc có thể sánh ngang với năng lực của các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong vài năm tới”, Tilly Zhang, nhà nghiên cứu tại công ty Gavekal, nhận xét trong một bài viết.

Sơn Vân