Quy định phòng dịch của Trung Quốc làm tăng khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuyển động - Ngày đăng : 10:25, 26/11/2021

Chính sách phòng dịch COVID-19 ngày càng cực đoan của Trung Quốc đang cản trở ngành vận tải biển phục hồi, khiến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng càng thêm trầm trọng.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Trung Quốc tiếp tục giữ quy định cấm tàu hàng nước ngoài thay đổi nhân sự thủy thủ đoàn khi neo đậu ở hải cảng nước này, thuyền viên Trung Quốc trở về phải cách ly 7 tuần. Ngay cả tàu đã bổ sung người ở nơi khác cũng phải đợi 2 tuần trước khi được phép cập cảng Trung Quốc.

Để tuân thủ quy định trên, các chủ tàu cùng nhà quản lý phải sắp xếp lại lộ trình, trì hoãn vận chuyển, giữ nguyên thủy thủ đoàn. Khủng hoảng chuỗi cung ứng vì vậy mà kéo dài thêm.

Ông Guy Platten - Tổng thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) nhận xét: “Hạn chế mà Trung Quốc áp đặt gây ra phản ứng dây chuyền. Bất cứ hạn chế nào cũng có tác động đến chuỗi cung ứng và dẫn đến gián đoạn thực sự”.

Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới đồng thời cũng đóng vai trò trung tâm vận tải quan trọng của ngành vận tải biển, nhưng Trung Quốc lại là quốc gia cuối cùng áp dụng chính sách “Zero COVID” với loạt biện pháp phòng chống dịch ngày một hà khắc.

Đầu tháng 11, công viên giải trí Disneyland Thượng Hải bất ngờ đóng cửa 2 ngày vì một khách tham quan có kết quả dương tính, khoảng 34.000 người không được rời khỏi cho đến khi họ có kết quả âm tính. Một trường tiểu học tại Bắc Kinh buộc học sinh ở lại qua đêm vì một giáo viên mắc bệnh.

qchina.jpg
Khủng hoảng chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu kết thúc - Ảnh: Straits Times

Trên thế giới, nhà máy, công ty vận chuyển cùng người tiêu dùng đều đang cố điều chỉnh để thích nghi với một đại dịch dai dẳng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung có dấu hiệu hạ nhiệt ở Mỹ nhưng lại tồi tệ hơn ở Anh.

Một số cảng ở châu Á ít tắc nghẽn hơn, nhưng tại bang California (Mỹ) thì tàu hàng vẫn còn xếp hàng dài. Nhiều nhà quản lý và đơn vị khai thác tàu đã kêu gọi Trung Quốc nới lỏng hạn chế, chính quyền các địa phương ưu tiên cho hoạt động vận tải biển và thuyền viên, nếu không hoạt động hàng hải sẽ tiếp tục bị gián đoạn.

Vậy mà Trung Quốc quyết không từ bỏ “Zero COVID”, hạn chế mới nhất nhắm vào thủy thủ tàu hàng là người Trung Quốc: cách ly 3 tuần trước khi về nước, 2 tuần tại cảng đến, 2 tuần nữa ở địa phương của mình trước khi được đoàn tụ với gia đình.

Ông Terence Zhao - Giám đốc Công ty Singhai Marine Services chuyên cung cấp thủy thủ - cho biết: “Các cảng hiện tập trung lo vấn đề y tế và cách ly. Quy định thường xuyên thay đổi dựa theo tình hình dịch”.

Một số nhà quản lý phàn nàn ngay cả thuyền viên có nhu cầu y tế khẩn cấp cũng không nhận được sự chăm sóc tại Trung Quốc. Một thành viên thủy thủ đoàn của tàu hàng Anglo Eastern bị áp xe răng nặng (sưng nề, xuất hiện mủ dưới vùng chân răng do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng từ vết thương đã có) không thể rời tàu đi điều trị mà phải chờ đến lúc cập cảng Hàn Quốc mới đi khám nha sĩ.

Bjorn Hojgaard - Giám đốc điều hành hãng vận tải Anglo-Eastern Univan, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Hồng Kông - nhận xét: “Trung Quốc ngăn chặn COVID-19 rất tốt, nhưng lại là bằng cách không cho thủy thủ đặt chân lên lãnh thổ, thậm chí thủy thủ Trung Quốc cũng không được”.

Hoạt động tại Trung Quốc nay trở thành thách thức lớn ngay cả với hãng vận tải lớn như Cargill.

Bà Eman Abdalla - Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng và hoạt động toàn cầu của Cargill - cho biết: “Chúng tôi đã có tàu bị thu phí lưu container có hàng tại bãi (demurrage) hoặc phải đi chệch đường. Có trường hợp chậm trễ chỉ kéo dài vài giờ, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến vài ngày”.

Hãng vận chuyển dầu hàng đầu thế giới Euronav đã chi khoảng 6 triệu USD xử lý hàng loạt gián đoạn liên quan đến quy định quản lý thủy thủ đoàn, gồm có phải đi chệch đường, cách ly, chi phí đi lại tăng.

“Trước đây, luân chuyển thuyền viên ở Trung Quốc rất dễ dàng. Hiện tại về cơ bản là không thể thực hiện”, theo giám đốc điều hành Euronav Hugo De Stoop.

Giám đốc Hojgaard cho biết Trung Quốc còn không cho phép quá 3 thuyền viên Trung Quốc bay về quê (địa phương nơi họ sinh sống). Do đó việc trở về nhà sau khi rời tàu có thể mất đến hàng tháng trời. Anglo-Eastern hiện có hàng trăm thuyền viên làm việc trên tàu suốt 11 tháng - mức tối đa mà luật quốc tế cho phép, công ty tìm đủ cách giải quyết nhưng không thể.

Giám đốc Zhao (của Singhai Marine Services) lo ngại khi Olympic Bắc Kinh sắp diễn ra, Trung Quốc sẽ siết chặt quy định hơn nữa.

Cẩm Bình