Trung Quốc đánh mất nhà đầu tư vào tay Ấn Độ
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 28/11/2021
Năm 2011, cuộc đời doanh nhân trẻ tuổi người Ấn Độ Vijay Shekhar Sharma thay đổi khi ông thấy nhà sáng lập Alibaba Jack Ma phát biểu tại Hồng Kông: “Lúc đó tôi cực kỳ quan tâm đến Trung Quốc, Alibaba và Jack Ma”.
Ba năm sau, Sharma bay sang Trung Quốc gặp thần tượng, chụp ảnh cùng và thuyết phục được Alibaba đầu tư. Tập đoàn thương mại điện tử - công nghệ tài chính hàng đầu Trung Quốc đổ vào công ty khởi nghiệp Paytm (cung cấp dịch vụ thanh toán số) của Sharma hàng triệu USD, nắm giữ 30% cổ phần.
Paytm gần đây vừa triển khai đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 2,5 tỉ USD - lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ. Đây là “bài kiểm tra” để xem liệu công ty Ấn Độ có thể tái hiện sự thành công mà công ty công nghệ Trung Quốc từng đạt được, đem lại lựa chọn mới cho giới đầu tư hay không.
Đợt chào bán cổ phiếu trên diễn ra 1 năm sau khi giới chức Trung Quốc ngăn Ant Group - đơn vị công nghệ tài chính dưới trướng Alibaba, nhà đầu tư lớn nhất của Paytm - phát hành IPO trên cả 2 sàn Thượng Hải và Hồng Kông. Động thái này mở đầu cho chiến dịch xử lý hàng loạt công ty công nghệ khiến giới đầu tư e ngại, làm mất hàng tỉ USD trên thị trường chứng khoán.
Ấn Độ từ lâu đã là thị trường hứa hẹn nhưng chỉ đứng thứ 2 ở châu Á, tuy nhiên thời cơ đã đến. Chuyên gia chứng khoán Timothy Moe thuộc ngân hàng Goldman Sachs nhận xét: “Trung Quốc đã đánh mất sự chú ý của giới đầu tư. Vì Trung Quốc không còn tốt như trước nữa nên giới đầu tư tăng tốc đầu tư vào thị trường khác. Vậy là Ấn Độ được hưởng lợi”.
Công ty phân tích thị trường Asian Venture Capital Journal xác định trong quý 3 năm 2021, mỗi khi Trung Quốc nhận được 1 USD tiền đầu tư thì Ấn Độ nhận được 1,5 USD. Chỉ số Sensex (sàn giao dịch chứng khoán Bombay) trong năm nay tăng 25% - tốt nhất trong các nền kinh tế lớn ở châu Á, trong khi chỉ số Shanghai SE Composite gần như không thay đổi.
Chưa rõ sự nhiệt tình mà giới đầu tư dành cho Ấn Độ sẽ kéo dài bao lâu. Có nhiều lo ngại thị trường công nghệ này đang tăng trưởng quá nóng với việc cạnh tranh mua cổ phần đẩy giá trị nhiều công ty lên cao.
Thời của Ấn Độ
Động thái ngăn cản đợt IPO năm ngoái của Ant Group từ chính quyền Trung Quốc mở đầu cho hàng loạt điều chỉnh quy định và điều tra về đủ mọi vấn đề, từ hành vi độc quyền, quyền riêng tư dữ liệu đến phân phối của cải. Tỷ phú Jack Ma quyền lực cùng hàng loạt “ông lớn” khác như Tencent, Baidu, Didi Chuxing đều không thoát.
Chiến dịch xử lý chưa có dấu hiệu kết thúc, mối đe dọa vẫn còn khiến Ant Group chưa dám tái khởi động kế hoạch IPO, tương lai của Didi Chuxing (bị điều tra hành vi thu thập thông tin người dùng phi pháp) đầy bất ổn.
Chỉ 2 ngày sau khi Didi IPO trên sàn chứng khoán New York tháng 6, giới chức Trung Quốc thông báo điều tra công ty khiến “thổi bay” 1/5 giá trị thị trường được xác định thời điểm đó. Cổ phiếu Didi hiện giảm hơn 40% so với giá bán.
Giới đầu tư lập tức tái cơ cấu vốn. Nguồn vốn mà các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc huy động được thông qua phát hành cổ phiếu có xu hướng giảm lần đầu tiên sau 7 năm. Trong khi đó, phía Ấn Độ năm 2021 (tính đến nay) lại huy động được 2,6 tỉ USD - tăng 550% so với năm ngoái. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số giao dịch tư nhân nhưng tốc độ tăng trưởng thì đã bị Ấn Độ vượt qua.
Nick Xiao, giám đốc điều hành chi nhánh Hồng Kông của công ty quản lý tài sản Hywin, cho biết Đông Nam Á cũng hưởng lợi lúc Trung Quốc đánh mất nhà đầu tư, nhưng Ấn Độ với quy mô thị trường lớn thu hút được nhiều sự quan tâm hơn.
Trong khi Didi Chuxing lâm nguy, giá cổ phiếu của công ty cung cấp dịch vụ giao thực phẩm Zomato tại Ấn Độ tăng gấp đôi từ giá phát hành lên mức định giá 15 tỉ USD bất chấp sự hoài nghi về khả năng sinh lời không chắc chắn và công ty chưa có lợi nhuận.
Theo sau Zomato, giá cổ phiếu của công ty thương mại điện tử chuyên về sản phẩm làm đẹp Nykaa tăng gần gấp đôi so với lúc phát hành tháng 11. Công ty cung cấp dịch vụ đặt khách sạn Oyo muốn huy động 1,1 tỉ USD thông qua niêm yết cổ phiếu. Công ty xe máy điện Ola cũng có kế hoạch nộp bản cáo bạch và huy động 2 tỉ USD.
Giám đốc điều hành Ola Bhavish Aggarwal tuyên bố: “Đây là thời điểm Ấn Độ bước ra sân chơi toàn cầu. Các bạn sẽ được thấy nhiều giá trị sáng tạo từ Ấn Độ”.
Ấn Độ dường như chuẩn bị vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong vài năm nữa. Đối tượng dân số thuộc Gen Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) của Ấn đã đạt 375 triệu người, so với khoảng 250 triệu người của Trung Quốc. Yếu tố nhân khẩu học đem lại dư địa tăng trưởng rất lớn cho ngành công nghệ, thu hút giới đầu tư.
Các công ty công nghệ Ấn Độ chưa bao giờ cạnh tranh đầu tư sôi nổi như thời điểm hiện tại. Nền tảng phân tích Venture Intelligence cho biết năm nay có 35 công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ trở thành “kỳ lân” với giá trị hơn 1 tỉ USD - nhiều nhất trong vòng 8 năm qua. Đơn vị “trẻ” nhất là công ty cung cấp dịch vụ tìm việc Apna mới hoạt động chưa được 2 năm nhưng được định giá 1 tỉ USD sau vòng gọi vốn diễn ra tháng 9.
Tăng trưởng quá nóng?
Tình trạng thổi giá trị trên làm dấy lên lo ngại thị trường công nghệ Ấn Độ phát triển quá nóng. Ông William Bao Bean thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm SOSV (Thượng Hải) cho biết: “Đầu tư vào Ấn Độ đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây. Tôi đã đầu tư vào khoảng 50 - 60 công ty khởi nghiệp Ấn, nhưng bây giờ nhiều khả năng tôi sẽ đến Pakistan hoặc Bangladesh tìm kiếm cơ hội”.
Theo một nhà đầu tư khác: “Tôi vô cùng lo lắng. Thị trường Ấn đang trở thành “bong bóng”. Hiện nay định giá hàng tỉ USD là vô nghĩa, mức định giá cao không có nghĩa các công ty đã đạt kết quả gì cả”.
Nhà tư vấn Jeffrey Lee Funk lưu ý: “Paytm, Zomato, Oyo thua lỗ rất nhiều so với mức độ trưởng thành của họ và thực tế là doanh thu của họ không lớn”.
Cars24 - nền tảng bán ô tô đã sử dụng trực tuyến - ghi nhận tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là âm 53% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2020. Nền tảng thương mại điện tử Udaan báo cáo tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là âm 80% so với cùng kỳ.
Giới phân tích cũng cảnh báo quy mô thị trường Ấn Độ có thể bị thổi phồng quá mức. Dù dân số đạt đến 1,4 tỉ người nhưng quy mô nhóm tiêu dùng giàu có, hiểu biết kỹ thuật số chịu chi cho dịch vụ công nghệ chỉ khoảng vài chục triệu người.
Ngoài ra, tiền đầu tư còn đổ vào những lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng như cho vay trực tuyến, tiền điện tử, cá cược thể thao nên nguy cơ các công ty công nghệ bị phạt rất cao.