Hàng cây và con đường

Văn hóa - Ngày đăng : 11:49, 29/11/2021

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1 không phải là đại lộ. Chỉ là con đường nhỏ, ngắn, khoảng 1km nhưng lại là con đường đẹp nhất nhì còn sót lại của thành phố rất hiếm cây xanh. Thế nhưng, mới đây có 3 cây dầu cổ thụ trên 100 năm tuổi trên đường vừa bị cưa mất với lý do cây lâu năm không bảo đảm an toàn. Có thật sự phải làm như thế?

Ngày tôi còn bé mới lên Sài Gòn, rất náo nức muốn đi sở thú không phải chỉ để xem những con thú mà trước đó hầu như chỉ được thấy trong sách vở. Tôi còn một thú vui khác, được ngắm những cây cổ thụ trăm tuổi cao ngất vươn tán rộng lên tới khoảng không gian mênh mông trên đầu khiến đứa trẻ con 12 tuổi phải ngước mắt nhìn “trật ót” với sự thích thú.

Nhưng trước khi vào sở thú tôi thường đi bộ từ nhà ở Bến Vân Đồn Khánh Hội Q.4, qua cầu Quay (cầu Khánh Hội), dọc theo Bến Tàu (Bến Bạch Đằng) Q.1 qua xưởng Ba Son đường Cường Để rồi rẽ vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường rợp bóng mát với hai hàng cây cổ thụ đẹp không kém gì những cây cổ thụ tán lá sum sê trong sở thú.

Lớn lên, tôi trở thành dân cố cựu của thành phố Sài Gòn. Hai hàng cây cổ thụ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng theo thời gian với tuổi đời hơn 100 năm. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 không phải là đại lộ, chỉ là con đường nhỏ, dài khoảng 1km, song song với đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) và Đinh Tiên Hoàng đâm thẳng ra Điện Biên Phủ nhưng lại là con đường đẹp nhất trong những trục đường trung tâm thành phố Sài Gòn và là một trong những con đường hiếm hoi còn bóng cây xanh. Đặc biệt, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy qua nhiều khu nhà mang tính lịch sử và trở thành con đường thơ mộng của học sinh hai ngôi trường công lập nổi tiếng: Trưng Vương (dành cho học sinh nữ) và Võ Trường Toản (dành cho học sinh nam).

duong-nguyen-binh-khiem.jpg
Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 là một trong những con đường có nhiều bóng cây xanh - Ảnh: Internet

Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ít xe cộ, thưa người, với hai hàng cây cổ thụ trên 100 tuổi, rợp bóng mát. Con đường này trở thành con đường thơ mộng, tình tự của học sinh, sinh viên đón đưa, chờ đợi nhau. Từ đó, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đi vào thơ ca in đậm bóng dáng văn chương kỷ niệm và ký ức của bao thế hệ. Trước đây, đường Cường Để cũng nổi tiếng là con đường cây xanh đẹp nhất nhì thành phố nhưng đã bị chặt đi phục vụ cho công trình xây dựng, trở thành niềm tiếc nuối của nhiều người. Bây giờ tới lượt đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vừa mất 3 cây xanh cổ thụ trên 100 năm tuổi đẹp tuyệt vời tạo nên hồn vía của một con đường.

Có một câu rất hay trong dân gian “Nếu muốn thì bằng mọi cách, không muốn thì tìm đủ lý do”. Câu này chỉ tưởng ứng dụng trong quan hệ giữa người và người, trong quan hệ nam nữ yêu đương. Không ngờ nay lại có thể đem ứng dụng cho cả người với... cây. Không so sánh với cách gìn giữ, trân trọng cây xanh, đặc biệt la cây lâu năm của nước ngoài, vì so sánh nào cũng khập khiễng, nhất là so sánh giữa Việt Nam với thế giới. Nhưng cũng có thể nói ngay rằng quản lý cây xanh là gìn giữ, bảo tồn, cây càng lâu năm càng quý. Nếu muốn chăm sóc, bảo tồn cây xanh trên 100 năm tuổi, nhất là loại cây dầu cổ thụ quý hiếm thì cơn quan quản lý thiếu chi cách để chăm sóc, gìn giữ nếu muốn. Còn không muốn, vì một lý do nào đó thì cũng đủ duyên cớ để chặt nó đi, không thương tiếc.

Với kiểu quản lý cây xanh như hiện nay và sự máy móc đến vô cảm của người có trách nhiệm, thành phố rất hiếm cây xanh này rồi sẽ dần dần sạch bóng những hàng cây cổ thụ, tạo nên hồn vía của thời gian, của văn hóa cảnh quan, trở thành sơ cứng với những khối bê tông cốt thép, nhựa đường nóng bức, vô hồn. Một thành phố mất hàng trăm năm mới có được những con đường rợp bóng mát của cây xanh cổ thụ trăm tuổi. Nhưng chỉ cần sự vội vàng, cẩu thả, thiếu tư duy, sau vài nhát cưa đã khai tử những con đường, những hàng cây cổ thụ vốn có linh hồn vì năm tháng, nắng mưa đã đi qua.

Từ Kế Tường