Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ đánh bại Omicron, Anh rút ngắn thời gian tiêm mũi vắc xin thứ 3
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:58, 30/11/2021
Toàn nước Anh đã ghi nhận 11 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có khả năng lây lan ra quốc tế và gây ra nguy cơ gia tăng ca mắc COVID-19 rất cao.
Thủ tướng Anh - Boris Johnson đã phản ứng với sự xuất hiện của Omicron bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng ở Anh.
Ông cũng yêu cầu Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) xem xét lại chương trình tăng cường, hiện áp dụng cho những người trên 40 tuổi, những người dễ bị tổn thương và nhân viên y tế.
JCVI đã khuyến nghị vào hôm 29.11 rằng tất cả người lớn dưới 40 tuổi đều có thể nhận mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, rằng khoảng cách tối thiểu giữa liều thứ hai và liều thứ ba có thể giảm xuống còn 3 tháng từ 6 tháng và trẻ em 12 - 15 tuổi có thể nhận mũi vắc xin thứ hai.
Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid nói ông sẽ làm theo lời khuyên và những người dễ bị tổn thương nhất sẽ được ưu tiên tiêm mũi vắc xin tăng cường, với các thông tin chi tiết hơn trong những ngày tới.
Ông Sajid Javid nói với các nhà lập pháp: "Có rất nhiều điều chúng tôi không biết về cách vắc xin của chúng tôi phản ứng với biến thể mới này. Dù có thể chúng kém hiệu quả hơn, nhưng rất có thể chúng sẽ vẫn chống được bệnh hiểm nghèo. Với Omicron, các biện pháp này sẽ bảo vệ nhiều người hơn, nhanh chóng hơn và khiến chúng ta được bảo vệ tốt hơn với tư cách là một quốc gia".
Giải thích lý do rút ngắn thời gian mũi tiêm vắc xin thứ ba xuống còn 3 tháng so với 6 tháng theo khuyến nghị trước đây, Chủ tịch JCVI - Giáo sư Wei Shin Lim nói thông thường kéo dài thời gian giữa các mũi tiêm sẽ tăng hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng cần cân bằng giữa việc kéo dài thời gian để tăng đáp ứng miễn dịch với việc tận dụng cơ hội để phát huy tối đa tác dụng của mũi vắc xin tăng cường.
Giáo sư Jonathan Van-Tam, Phó giám đốc Cơ quan Y tế vùng England, cũng cho rằng điều quan trọng là phải làm chậm sự lây lan Omicron bởi các nhà khoa học hiện chưa chắc chắn về hiệu quả của vắc xin với biến thể này.
Ông chỉ ra rằng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường có ý nghĩa quan trọng vào lúc này khi chưa có cơ sở khoa học chắc chắn và chưa thể biết “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Giáo sư Jonathan Van-Tam cũng nhấn mạnh không nên hoảng sợ, song cũng không nên phớt lờ những cảnh báo, nhấn mạnh tình hình ở Nam Phi là dấu hiệu cảnh báo sớm.
Hôm 29.11, Scotland đã báo cáo 6 ca nhiễm Omicron. 2 trường hợp nhiễm Omicron được xác nhận ở London, qua đó riêng Anh đã có 5 ca.
4 quốc gia thuộc Vương quốc Anh đều đã hạn chế du lịch đến phía nam châu Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tuần trước, với nỗ lực làm chậm sự lây lan của nó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thứ nhất Scotland – bà Nicola Sturgeon cho biết không phải tất cả 6 nhiễm Omicron đều có tiền sử du lịch gần đây hoặc có mối liên hệ với những người khác đã đến phía nam châu Phi.
"Điều này cho thấy có thể đã có một số sự lan truyền trong cộng đồng về biến thể Omicron. Song không có bằng chứng nào từ việc giám sát tăng cường cho thấy nó phổ biến ở giai đoạn này", bà Nicola Sturgeon nói trong cuộc họp báo.
Nicola Sturgeon cho biết khung thời gian của các ca nhiễm Omicron cho thấy không phải không thể có mối liên hệ với hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở thành phố Glasgow (Scotland) hồi đầu tháng.
Khi được hỏi liệu có tin rằng có sự lây truyền Omicron từ cộng đồng ở Anh hay không, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson nói với các phóng viên: "Tôi không có bằng chứng về điều đó".
Tổng thống Biden: Mỹ sẽ chiến đấu và đánh bại Omicron
Hôm 29.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm gia tăng rất cao khi việc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế sau đại dịch kéo dài 2 năm.
Các hãng hàng không lớn đã hành động nhanh chóng để bảo vệ các trung tâm của họ bằng cách hạn chế hành khách từ phía nam châu Phi, lo ngại rằng sự lan rộng của Omicron sẽ gây ra các hạn chế từ các điểm đến khác ngoài các khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Jerome Powell nói biến thể Omicron làm xáo trộn triển vọng giảm lạm phát vì giá có thể tiếp tục tăng lâu hơn những gì từng nghĩ trước đó.
Jerome Powell nói việc tăng các ca mắc COVID-19 và sự xuất hiện của Omicron "gây ra rủi ro với việc làm, hoạt động kinh tế và gia tăng sự không chắc chắn với lạm phát".
Những lo ngại liên quan đến sức khỏe có thể "làm giảm mức độ sẵn sàng làm việc trực tiếp của người dân, điều này sẽ làm chậm tiến trình phát triển của thị trường lao động và tăng gián đoạn chuỗi cung ứng".
Các tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings và Moody's Investors Service cảnh báo rằng Omicron có thể làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu và đẩy giá lên.
Dù vậy, Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân Mỹ không nên hoảng sợ và cho biết chính phủ đang làm việc với các công ty dược phẩm để đưa ra các kế hoạch dự phòng nếu cần đến vắc xin mới.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ không phong tỏa trong mùa đông này, nhưng kêu gọi mọi người đi tiêm vắc xin, nhận mũi tăng cường và đeo khẩu trang.
"Biến thể này là nguyên nhân gây lo ngại, không phải là nguyên nhân gây hoảng sợ. Chúng tôi sẽ chiến đấu và đánh bại biến thể mới này", ông Biden nói tại Nhà Trắng sau cuộc họp với nhóm COVID-19 của ông.
Mỹ đã chặn nhập cảnh với hầu hết du khách đến từ 8 quốc gia Nam Phi. Ông Biden cho biết các hạn chế đi lại sẽ giúp Mỹ có thời gian để đưa nhiều người hơn đi tiêm vắc xin.
Sự chần chừ tiêm vắc xin ở Mỹ và các nơi khác đã cản trở nỗ lực kiểm soát vi rút của các quan chức y tế công cộng.
Hôm 29.11, một thẩm phán liên bang ra phán quyết rằng yêu cầu tiêm vắc xin từ chính quyền Biden với nhân viên y tế có khả năng vượt quá thẩm quyền của họ.
WHO khuyến cáo 194 quốc gia thành viên của mình rằng bất kỳ sự gia tăng ca mắc COVID-19 nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng cho biết chưa có trường hợp tử vong nào liên quan đến Omicron.