Công nghệ số góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả ở Hậu Giang

Sự kiện - Ngày đăng : 12:12, 30/11/2021

Hậu Giang triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đồng thời, quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới.

ong-la-hoang-trung.jpg

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TTTT làm việc với Sở Y tế và Viettel Hậu Giang về triển khai giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 22.7.2021

Ra mắt “Bản đồ hỗ trợ phòng chống dịch”

Từ tháng 7.2021, Hậu Giang đã chính thức ra mắt “Bản đồ COVID-19 Hậu Giang” nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, chỉ với smartphone hoặc máy tính kết nối Internet, người dân có thể tìm kiếm, phát hiện các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 xung quanh mình hoặc tại một vị trí bất kỳ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bản đồ COVID-19 Hậu Giang được xây dựng trên giao diện website (tại địa chỉ https://covid-19.haugiang.gov....) và được tích hợp trên ứng dụng di động Hậu Giang (App Hậu Giang).

Bản đồ hiển thị các điểm xét nghiệm, các khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, cách ly y tế, bệnh viện, trung tâm y tế, các số liệu thống kê về các ca nhiễm, nghi nhiễm, cùng những thông tin cần biết liên quan đến các thông cáo báo chí, thông báo chỉ đạo, điều hành, các văn bản khác của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh…

ban-do-covid-19-hg.png

Bản đồ COVID-19 tỉnh Hậu Giang thể hiện 4 cấp độ dịch bằng 4 màu: xanh - vàng - cam - đỏ theo quy định thống nhất toàn quốc của Nghị quyết 128

Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang, mục tiêu lớn nhất của bản đồ số này giúp người dân có cái nhìn trực quan nhất, chính xác nhất về toàn cảnh COVID-19 tại tỉnh mà không cần phải tìm các bản tin riêng lẻ. Bản đồ số cũng hiển thị số liệu tiêm chủng của từng huyện, đặc biệt 4 cấp độ dịch được cập nhật tương ứng 4 màu: xanh - vàng - cam - đỏ theo quy định thống nhất toàn quốc của Nghị quyết số 128/NĐ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ để người dân dễ dàng nắm bắt, không di chuyển đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các thông tin dịch tễ được cung cấp bởi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Sở Y tế Hậu Giang và được cập nhật liên tục ngay sau khi có Thông báo chính thức của Sở Y tế.

Kiểm soát người ra vào bằng mã QR

Hiện nay, người dân Hậu Giang đã dần quen với việc khai báo y tế bằng mã QR khi ra, vào tỉnh và tại các địa điểm công cộng bằng hai hình thức: Khai báo trực tuyến tại https://qr.tokhaiyte.vn hoặc thông qua ứng dụng PC-COVID cài đặt trên điện thoại thông minh.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 15.11.2021, tỉnh có 11.540 điểm quét mã QR, tổng số 361.876 lượt vào ra điểm quét mã QR. Trung bình Hậu Giang có hơn 1.700 lượt quét/ngày.

“Các dữ liệu từ quét mã QR trên PC-COVID đã hỗ trợ đắc lực trong công tác chống dịch. Từ dữ liệu này chúng tôi có thể nắm được là có bao nhiêu người xuất hiện cùng ca F0 tại địa điểm, thời gian cụ thể đó và lên được phương án khoanh vùng, dập dịch và có thông báo đến những trường hợp liên quan”, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hậu Giang cho biết.

Quản lý tiêm chủng trên nền tảng số

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, cùng với cả nước, Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Trong đó, Sổ sức khỏe điện tử và PC-COVID các ứng dụng nền tảng đang được nhiều người dân tải về điện thoại thông minh bởi ưu điểm dễ cài đặt, dễ sử dụng và có nhiều tiện ích.

Việc sử dụng ứng dụng này trong quy trình tiêm chủng nhằm cập nhật cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý, góp phần mở rộng diện bao phủ vắc xin phòng, chống COVID-19 trên địa bàn.

Theo số liệu trên Nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia, đến hết ngày 16.11.2021, tỉnh Hậu Giang tiếp nhận hơn 827.840 liều vắc xin, có 100% mũi tiêm được cập nhật trên nền tảng tiêm chủng Quốc gia, đứng thứ 5 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số thuê bao cài đặt Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh đạt hơn 116.763 thuê bao, chiếm 21,8% dân số trên 18 tuổi, đứng thứ 10 toàn quốc. Số người đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 qua Sổ sức khỏe điện tử chưa được tiêm lũy kế đến nay là hơn 16.881 người. Điều này cho thấy người dân đã ý thức cao trong việc sử dụng các ứng dụng điện tử vào việc cập nhật thông tin cũng như theo dõi sức khỏe hằng ngày của bản thân.

Lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến

Cùng với việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, Hậu Giang cũng đang khẩn trương triển khai ứng dụng “Việt Nam khỏe mạnh” để quản lý xét nghiệm.

Theo đó, tỉnh đang chuẩn bị triển khai thí điểm ứng dụng Việt Nam khỏe mạnh tại huyện Châu Thành A. Hệ thống sẽ hỗ trợ việc xét nghiệm COVID-19 thông qua việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử.

Theo thông tin từ Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đây là nền tảng duy nhất hỗ trợ xét nghiệm mẫu gộp, mẫu đại diện theo nhóm/gia đình/tổ chức và trả kết quả chính xác, tự động đến từng người trong nhóm, giúp tiết kiệm chi phí xét nghiệm và đem lại lợi ích kinh tế; giúp xác định nhanh F0, F1 qua những vòng xét nghiệm mỗi 72 giờ, nhanh hơn tốc độ lây lan của chủng Delta. Người tham gia xét nghiệm mẫu gộp sẽ được thông báo kịp thời để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là giải pháp xây dựng “Pháo đài xanh” an toàn, đưa hoạt động sản xuất, dịch vụ sớm trở lại ổn định, hướng đến trạng thái bình thường mới.

Trang bị camera cho các khu cách ly tập trung

he-thong-giam-sat.jpg

Hệ thống camera giám sát tại điểm cách ly tập trung của tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang đã triển khai lắp đặt 115 camera giám sát tại 14 cơ sở cách ly tập trung. Các camera được bố trí tại các khu vực cổng, hành lang, phòng lấy mẫu và cả trong phòng của người cách ly, lưu trữ nội dung phục vụ cho việc trích xuất khi cần thiết.

Hệ thống hoạt động liên tục 24/24 và kết nối với hệ thống giám sát tập trung theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm giám sát việc quản lý người những nơi cách lý tập trung, người mắc bệnh COVID-19 và quản lý việc giao, nhận bệnh nhân của các địa phương tại các khu cách ly tập trung. Qua đó, kịp thời có những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Họp trực tuyến - “Cầu nối” hiệu quả trong thời đại công nghệ số

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xác định hệ thống họp trực tuyến là giải pháp đột phá để đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh triển khai dự án “Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã”.

Hệ thống được đầu tư trang thiết bị tiên tiến gồm smart tivi, MCU, mic thu và các phụ kiện khác,… đáp ứng khả năng kết nối, chuyển tiếp các cuộc họp từ hệ thống hội nghị truyền hình trung ương sang hệ thống hội nghị truyền hình từ tỉnh đến xã, giúp cấp cơ sở tiếp thu các nội dung chỉ đạo trực tiếp từ cấp trung ương được đầy đủ, kịp thời. Đến nay, hệ thống họp trực tuyến của Hậu Giang đã được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 08/08 huyện, thành, thị, 75/75 xã, phường, thị trấn.

Vừa qua, thông qua hệ thống họp trực tuyến, tỉnh đã kết nối thông suốt, phục vụ 08 cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của 08 UBND cấp huyện và 75 UBND cấp xã của Hậu Giang.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Việc triển khai đồng bộ hệ thống họp trực tuyến 4 cấp đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thông suốt từ trung ương đến cấp tỉnh và từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, nhất là trong bối cảnh Hậu Giang đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay".

Với ưu thế chi phí đầu tư không cao, song có thể kết nối nhanh chóng, ở phạm vi rộng đã giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tăng chất lượng quản lý cũng như tính tương tác, góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí tổ chức, đi lại hằng năm. Ngoài ra, hệ thống họp trực tuyến đã giúp tỉnh duy trì thường xuyên các cuộc họp chỉ đạo từ tỉnh đến cấp huyện, xã và các sở, ngành, các buổi làm việc, hoạt động xúc tiến đầu tư với các Bộ, ngành, địa phương, mở ra nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Song song với các ứng dụng, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Hậu Giang đã tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp cài đặt và sử dụng các ứng dụng để phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, dần thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của người dân. Đó cũng chính là những nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh thời gian tới.                         

Trường Giang - Sở TTTT Hậu Giang