Tòa án Myanmar trì hoãn phán quyết trong phiên tòa xét xử bà Aung San Suu Kyi
Quốc tế - Ngày đăng : 15:31, 30/11/2021
Thẩm phán đã trì hoãn việc ra phán quyết về các tội danh của cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, bao gồm tội kích động nổi loạn, gây rối và vi phạm luật thiên tai liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, theo Reuters, bà Aung San Suu Kyi được cho là sẽ bị kết án với các mức án lên đến 2 và 3 năm. Ngoài ra, bà cũng bị buộc tội tham nhũng và vi phạm Đạo luật bí mật chính thức của Myanmar. Tổng mức án phạt mà bà phải đối mặt có thể lên tới hơn 100 năm.
Ngoài bà Suu Kyi, cựu Tổng thống Myanmar Win Myint cũng có khả năng cũng sẽ phải đối mặt với mức án tương tự nếu bị kết tội.
Được biết, bà Aung San Suu Kyi (76 tuổi) từng đoạt giải Nobel Hòa bình và đưa đảng NLD của bà lên nắm quyền vào năm 2015. Sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 2, hàng loạt các phiên xét xử kín đã diễn ra từ tháng 6 với các cáo buộc chống lại bà và các cộng sự.
Hãng tin Reuters, hiện không thể liên lạc ngay với tòa án ở thủ đô Naypyitaw. Người phát ngôn của hội đồng quân sự cầm quyền đã không trả lời các cuộc điện đàm vào đầu ngày 30.11.
Hiện nay, cả chính quyền quân sự và phương tiện truyền thông nhà nước đều từ chối cung cấp thông tin về quá trình tố tụng và luật sư của các bị cáo cũng buộc phải "im lặng". Những người ủng hộ bà Suu Kyi nói rằng các vụ kiện chống lại bà có động cơ chính trị.
Bà Aung San Suu Kyi hiện đang rất mệt mỏi vì hầu tòa quá nhiều. Luật sư riêng cho biết sức khỏe của cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi không có gì đáng lo ngại, nhưng bà rất mệt mỏi vì phải hầu tòa quá nhiều lần.
Bà Suu Kyi đã bị đưa ra xét xử trong tháng 6, khoảng 4 tháng sau khi bà bị bắt trong cuộc đảo chính của quân đội. Trong phiên tòa hồi đầu tháng trước, bà Suu Kyi chịu thêm 4 cáo buộc tham nhũng, khiến bà phải trình diện tại tòa án ở thủ đô Naypyidaw gần như suốt tuần.
Bà Suu Kyi thậm chí đã yêu cầu các thẩm phán giảm tần suất điều trần xuống hai tuần mỗi lần thay vì hằng tuần vì "lý do sức khỏe".
Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày quân đội tiếp quản chính quyền Myanmar, các cuộc đụng độ giữa quân đội và những người bất đồng chính kiến vẫn chưa hạ nhiệt. Các nỗ lực ngoại giao do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy nhằm giải quyết khủng hoảng ở Myanmar cũng chưa thành công.