Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:09, 30/11/2021

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Do đó, Chính phủ phải đi đầu về chuyển đổi số, tạo ra các thể chế số.

Chiều 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).

Cuộc cách mạng thể chế nhiều hơn công nghệ

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện việc CĐS và “có những mặt làm được, mặt chưa làm được”. Do đó, tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá, nêu bật những mặt làm tốt để phát huy, chỉ rõ những gì chưa làm được, tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó, định hướng, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng cho phù hợp với tình hình, điều kiện của đất nước chứ không hình thức.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho CĐS thì sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của CĐS. Đó sẽ là những cú hích quan trọng cho CĐS thành công tại Việt Nam.

“Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa. Một xã hội số thì điều kiện tiên quyết là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để đạt được điều này. Bộ TT-TT đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để Việt Nam sẽ vào nhóm đầu top 30 về truy cập số”, ông Hùng nói.

thu-tuong-2.jpg
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp phiên đầu tiên

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho CĐS ước tính 15.000 tỉ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động CĐS trung bình chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động. Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản dựa trên “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”. Đã đến lúc cần chuyển qua trông vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh. Nền nông nghiệp từ thói quen phỏng đoán, ước chừng, cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.

“Trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và nêu rằng “đứng trước đoàn tàu CĐS đang tiến vùn vụt, chúng tôi không chấp nhận để lỡ chuyến tàu, đứng lại sân ga trong tiếc nuối”.

Tránh cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy

Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động CĐS ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Các chủ trương, thể chế, chính sách về CĐS là tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành.

Thủ tướng nêu rõ, công tác CĐS vẫn còn những hạn chế đã được các thành viên Ủy ban chỉ ra, như xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp (xếp thứ 6 trong các nước ASEAN). Việc kết nối giữa các nền tảng còn hạn chế; chưa làm tốt việc sử dụng chung dữ liệu. Việc triển khai xã hội số còn vướng mắc, nhất là cho người dân, doanh nghiệp.

“Bình thường, chúng ta khó nhìn thấy hay cảm thấy không quan trọng lắm nhưng khi có việc, có tình huống, có vấn đề như dịch COVID-19 thì chúng ta thấy rằng nền tảng số của chúng ta còn bất cập, còn phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách, cần nhiều thời gian để lấp đầy. Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng CĐS, nhất là người đứng đầu.

“Kinh nghiệm cho thấy nếu có sự quan tâm của người đứng đầu thì mọi việc suôn sẻ, khó khăn được giải quyết, vướng mắc được tháo gỡ. Nếu người đứng đầu không quan tâm, chỉ đạo sát sao thì hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đề ra”, Thủ tướng nói.

thu-tuong(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. “Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng CĐS tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ trung ương tới cấp cơ sở.

“CĐS tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình CĐS”, Thủ tướng nói. Đồng thời cho rằng phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu tích cực hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế rộng rãi. Các địa phương, các bộ ngành phải chia sẻ dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau trong CĐS, “tránh tình trạng cục bộ, có cái gì thì giữ cái đấy”. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích chung lên trên hết, chứ không vì lợi ích của cá nhân, của ngành nào, lĩnh vực, địa phương nào.

Lam Thanh