Ngày càng nhiều người tại TP.HCM có nhu cầu sắm du thuyền riêng

Sự kiện - Ngày đăng : 15:31, 01/12/2021

Trước thực tế nhiều người tại TP.HCM có nhu cầu sắm du thuyền riêng, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc quản lý nhà nước đối với vùng nước neo đậu phương tiện thủy trên đường thủy nội địa.

Văn bản của Sở GTVT gửi về UBND TP.HCM nêu: “Nhu cầu neo đậu phương tiện thủy của tổ chức, cá nhân (hộ gia đình) trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn TP.HCM là rất lớn”.

Số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới phát sinh năm 2020 là 267 phương tiện (22 du thuyền, 28 cano (sức chở dưới 12 người) phát sinh mới); năm 2021 là 229 phương tiện (ba du thuyền, 30 canô có sức chở dưới 12 người và chín canô có sức chở trên 12 người). Nếu không có dịch COVID-19 thì có lẽ số lượng đăng ký sẽ còn nhiều hơn.

du-thuyen.jpg
Một góc sông Sài Gòn - Ảnh: T.V

Tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP là 50 du thuyền. Tổng số canô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị) được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP là 390 phương tiện.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 92 doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, các loại hình phương tiện hoạt động chủ yếu như tàu cao tốc chở khách tuyến cố định (chín phương tiện), canô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến (128 phương tiện), tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông (78 phương tiện), phà vận tải hành khách ngang sông (15 phương tiện).

Sở GTVT cho biết theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP thì việc đầu tư xây dựng khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch này nên chưa có cơ sở xem xét chấp thuận cho tổ chức cá nhân (hộ gia đình) được phép neo đậu phương tiện thủy nội địa phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường thủy.

Từ đó, Sở GTVT trình UBND TP kiến nghị Bộ GTVT hai nội dung. Thứ nhất, Bộ GTVT sớm rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 08/2021 để phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2021, kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng cho phép TP.HCM được thí điểm giải quyết nhu cầu xây dựng khu neo đậu phương tiện thủy trên một số đoạn sông cụ thể.

Tuyến sông thí điểm là sông Sài Gòn và một số tuyến sông, kênh trong khu vực nội thành TP. Phạm vi áp dụng là trên vùng nước nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, tiếp giáp bờ sông…

Cấu trúc nổi để neo giữ phương tiện: Phao nổi bằng thép kết nối với bờ bang cầu dẫn đi bộ. Phao nổi là phương tiện thủy nội địa không có động cơ được đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; có bố trí cọc bích neo buộc phương tiện. Khu neo đậu cũng có cầu dẫn đi bộ là bộ phận kết nối với phao nổi và bờ; có kết cấu đơn giản (kết cấu lắp ghép, linh hoạt trong lắp đặt và tháo dỡ).

Phương tiện neo đậu: Chỉ thiết lập khu neo đậu để neo, giữ phương tiện thủy có sức chở đến 12 người hoặc phương tiện có động cơ, tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa. Thời gian thí điểm là năm 2022-2023, sau đó Sở GTVT tổng kết, báo cáo UBND TP gửi Bộ GTVT...

T.V