Biến thể Omicron làm các chuyên gia phản đối tiêm mũi vắc xin thứ 3 thay đổi quan điểm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:13, 02/12/2021
Vào tuần trước, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã phản đối dữ dội chiến dịch triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người trưởng thành ở Mỹ của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Các nhà nghiên cứu cho biết có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh mũi vắc xin tăng cường là cần thiết cho mọi người. Biến thể Omicron đã thay đổi tất cả.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn liệu biến thể Omicron có dễ lây lan hơn hay né tránh được miễn dịch của cơ thể không. Song với hàng tá đột biến mới, Omicron dường như làm giảm hiệu quả của các vắc xin hiện tại ở mức độ đáng kể.
Các mũi vắc xin tăng cường rõ ràng làm tăng mức độ kháng thể, tăng cường khả năng phòng thủ chống lại nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và có thể giúp bù đắp cho cơ thể trước bất kỳ lợi thế nào mà Omicron đã đạt được qua quá trình tiến hóa.
Nhiều chuyên gia từng phản đối mũi vắc xin tăng cường giờ đây đã tin rằng chúng có thể mang lại khả năng phòng thủ tốt nhất trước biến thể mới. Các mũi vắc xin tăng cường có thể làm chậm sự lây lan và ít nhất là có đủ thời gian để các nhà sản xuất vắc xin phát triển công thức mới chống lại Omicron nếu cần.
Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue (Mỹ) từng phản đối tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả mọi người, cho biết: “Dựa trên những gì chúng ta biết về khả năng biến thể mới né tránh hệ thống miễn dịch, tôi đã sai khi phản đối việc này”.
Chính quyền Biden không chờ đợi sự đồng thuận của giới khoa học. Cảnh báo trước các báo cáo sơ bộ về Omicron, các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết vào ngày 29.11 rằng tất cả người trưởng thành ở nước này nên tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Mỹ đã được báo cáo vào ngày 1.12 tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ). Đây là một du khách trở về California từ Nam Phi vào ngày 22.11. Người này đã được tiêm vắc xin đầy đủ nhưng chưa nhận mũi vắc xin tăng cường và có các triệu chứng nhẹ được cho đang được cải thiện.
Xuất hiện lần đầu tiên ở phía nam châu Phi, Omicron đã lan ra hơn 24 nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng rủi ro do biến thể này gây ra là rất cao.
Sau tin tức Omicron lan truyền tại Nam Phi, các quốc gia khác đã hạn chế việc di chuyển bằng đường hàng không đến - đi từ phía nam châu Phi.
Biến thể Omicron mang hơn 50 đột biến di truyền, hơn 30 đột biến trong số đó nằm trên protein gai của vi rút. Vắc xin COVID-19 có tác dụng huấn luyện khả năng phòng thủ miễn dịch của cơ thể để nhắm mục tiêu và tấn công protein gai này.
Các chuyên gia như Tiến sĩ Celine Gounder từng lập luận rằng, dù hiệu quả của vắc xin chống lại sự lây nhiễm biến thể Delta dường như đang suy yếu thì chúng vẫn bảo vệ hầu hết mọi người khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Theo họ, các mũi vắc xin tăng cường chỉ nên được khuyến cáo cho người trên 65 tuổi và những ai đang ở trong các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc có hệ miễn dịch kém.
Tiến sĩ Gounder và các nhà nghiên cứu khác cho biết nếu biến thể Delta là mối đe dọa duy nhất thì việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả mọi người không được ủng hộ. Song, Omicron có thể là kẻ thù đáng gờm hơn.
John Moore, nhà vi rút học tại Weill Cornell Medecine (New York, Mỹ) cho biết: “Nếu biến thể Omicron có khả năng cao chống lại các kháng thể nhưng chưa được chứng mình thì mũi vắc xin tăng cường là cần thiết. Tôi muốn xem thêm dữ liệu nhưng sẽ không gây hại cho ai nếu có thêm biện pháp bảo vệ".
Ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, một số chuyên gia đã khuyên tiêm mũi vắc xin tăng cường cho tất cả người trưởng thành do các ca mắc COVID-19 tại Mỹ tăng trở lại những tuần gần đây.
Tiến sĩ Camille Kotton, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) và là cố vấn của CDC, chia sẻ: “Chúng tôi thực sự cần chấm dứt điều này. Hơn bao giờ hết, bây giờ chính là thời điểm tuyệt vời để tiêm vắc xin cho những người chưa làm điều này hoặc đi tiêm mũi tăng cường”.
Sự do dự ban đầu của Tiến sĩ Camille Kotton một phần được bắt nguồn từ việc thiếu nghiên cứu liên quan đến sự an toàn của mũi vắc xin tăng cường ở thanh niên. Do một số vấn đề về tim hiếm gặp ở nam giới sau khi tiêm mũi thứ hai vắc xin mRNA, không rõ lợi ích mang lại có nhiều hơn nguy cơ hay không.
Thế nhưng, dữ liệu hiện có đã làm giảm bớt lo ngại của Camille Kotton khi bà đã thúc giục các con trai của mình đi tiêm mũi vắc xin tăng cường.
“Tôi đã thay đổi. Khi suy nghĩ về rủi ro và lợi ích, tôi thấy việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người đủ tiêu chuẩn là ý tưởng thực sự tốt”, Camille Kotton nói.
Sự ủng hộ trong việc tiêm mũi vắc xin tăng cường của các nhà khoa học có thể làm phức tạp nỗ lực cung cấp nguồn vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo. Trong nhiều tháng trước khi biến thể Omicron xuất hiện, WHO đã lên án việc tiêm mũi vắc xin tăng cường ở các nước giàu vì điều này đang cướp đi nguồn vắc xin mà những quốc gia nghèo đang cần.
Dù coi Omicron là rủi ro cao nhưng WHO vẫn không thay đổi quan điểm của mình về mũi vắc xin tăng cường.
"Hiện tại, không có bằng chứng nào cho tôi biết việc tiêm mũi vắc xin tăng cường toàn bộ dân số sẽ cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho những người khỏe mạnh chống lại việc nhập viện hoặc tử vong do COVID-19", Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nói tại cuộc họp báo hôm 1.12.
Ông và các nhà khoa học khác nói sự lây lan chưa được kiểm soát của vi rút SARS-CoV-2 qua các quần thể phần lớn chưa được tiêm vắc xin như ở châu Phi, có khả năng làm phát sinh các biến thể mới giống Omicron.
Không phải tất cả chuyên gia đều ủng hộ mũi vắc xin tăng cường.
Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc của Trung tâm Giáo dục Vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) và là cố vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nói việc thúc đẩy tiêm mũi vắc xin tăng cường được dự đoán dựa trên ý tưởng rằng kháng thể là khía cạnh trung tâm của miễn dịch. Đây là một quan điểm sai lầm coi nhẹ tầm quan trọng của các bộ phận khác ở hệ thống miễn dịch trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong.
Paul Offit cho biết ông sẽ lo lắng hơn nếu những người đã tiêm vắc xin nhiễm biến thể Omicron phải nhập viện hàng loạt. Thế nhưng, các bằng chứng hạn chế đến nay cho thấy vắc xin vẫn ngăn ngừa được bệnh nặng do Omicron gây ra.
“Điều đó đúng với ba biến thể đầu tiên và hiện nay nó vẫn đúng. Nếu bạn đang đặt mục tiêu bảo vệ mình khỏi bệnh nặng thì chúng ta sẽ tiêm mũi vắc xin tăng cường cho đến ngày chết”, Paul Offit nói.
Ngay cả khi biến thể Omicron có khả năng kháng vắc xin thì việc tiêm thêm mũi tăng cường có thể không phải là giải pháp tốt nhất. “Tôi chỉ nghĩ đó là đường vòng so với những gì cần ưu tiên hàng đầu để vượt qua đại dịch này là tiêm vắc xin cho những người chưa được chủng ngừa COVID-19”, Paul Offit chia sẻ.
Dù vậy, chờ đợi có thể không phải là một lựa chọn tốt.
Nếu các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể Omicron kháng vắc xin, các nhà sản xuất nói đã sẵn sàng điều chỉnh vắc xin. Quá trình này sẽ mất ít nhất vài tháng và có thể cần tiêm mũi vắc xin tăng cường để giữ Omicron trong tầm kiểm soát cho đến lúc đó.
Tiến sĩ Celine Gounder nói ngay cả khi các kháng thể được tạo ra bởi những vắc xin hiện tại không hiệu quả trong việc chống lại Omicron như với các biến thể trước đó thì gia tăng kháng thể với tiêm mũi tăng cường có thể bù đắp.
Nếu cần thiết, trước tiên tiêm mũi vắc xin tăng cường của vắc xin hiện tại, sau đó chích phiên bản dành riêng cho biến thể Omicron, nhưng cần tính toán đúng thời gian bởi việc kích thích miễn dịch quá thường xuyên có thể gây phản tác dụng, Tiến sĩ John Moore nói. Lý do vì một số tế bào miễn dịch có thể ngừng đáp ứng với vắc xin.
“Mọi thứ đang trở nên phức tạp. Chúng ta đang phản ứng trong môi trường thông tin nhiễu loạn, mà hậu quả có thể khá nghiêm trọng”, ông chia sẻ thêm.