Đào tạo nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

Giáo dục - Ngày đăng : 06:18, 07/07/2020

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có lẽ là cái tên còn khá xa lạ với nhiều học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngành học này trở thành một ngành học xu hướng tại hầu hết các trường đại học ở Việt Nam bởi với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì vai trò của nó càng trở nên quan trọng.
Theo GS Đặng Đình Đào, ngành logistics Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của mình

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

Ngành logistics không phải là một ngành mới ở Việt Nam tuy nhiên nó lại ở dưới một cái tên khác như kinh tế thương mại hay xuất nhập khẩu.... khiến nhiều người còn cảm thấy khá xa lạ với ngành học này. Thậm chí có rất nhiều người không biết logistics là gì và định hướng nghề nghiệp như thế nào.

Nguồn nhân lực đào tạo logistics tại các trường ĐH

Logistics vừa là một khoa học vừa là lĩnh vực dịch vụ được nhiều địa phương xác định là ngành mũi nhọn tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Hoạt động logistics gắn liền với hoạt động của một chuỗi các dịch vụ liên quan đến phân phối và lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Trả lời câu hỏi của Một Thế Giới về việc đăng ký vào Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên Phạm Thị Thùy Dương cho biết: “Em lúc nộp hồ sơ thì chỉ thấy khoa nào cao điểm nhất thì nộp thôi vì điểm thi ĐH của em khá cao, 28 điểm. Trong khoa em có hơn 100 sinh viên chia thành vài lớp khác nhau. Khi vào học chúng em được các thầy cô giáo hướng dẫn, dạy dỗ cũng như em tìm hiểu cặn kẽ hơn về ngành học của mình thì thấy ngành này rất tiềm năng. Bản thân em cũng là một trong vài người nhận được học bổng của trường và được đi tham qua ngành học của mình học tại Trường RMIT để hiểu rõ hơn. Sau đó suốt 3 năm học, em hoàn thành tín chỉ nhanh với mong muốn ra trường sớm để có thời gian thực tập tại các công ty lớn đang có nhu cầu tuyển các cán bộ, nhân viên chuyên ngành logistics. Học phí tại trường em, nếu ở khoa chất lượng cao bắt đầu phát triển trong năm nay thì khoảng 17 triệu đồng/học kỳ, còn với khóa của em cách đây mấy năm thì chỉ có 3-4 triệu đồng/kỳ thôi. Em thấy đây là một ngành học rất quan trọng trong sự phát triển của ngành kinh tế nước ta nên xin việc không còn quá khó khăn nữa. Hiện nay, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang săn lùng sinh viên học ngành này vì thế cơ hội tìm kiếm được việc làm ưng ý với mức lương ổn định, hấp dẫn sẽ dễ dàng hơn”.

Trả lời thêm về chương trình học, Thùy Dương cũng cho biết trong suốt những năm học đại học, sinh viên được trang bị những mảng kiến thức trọng yếu trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics. Ở năm học đầu tiên, sinh viên nâng cao hiểu biết về nền tảng kinh doanh qua các môn học như kế toán, kinh doanh, marketing, luật thương mại và kinh tế vĩ mô. Sau đó, các em được học các môn chuyên ngành như logistics trong giao thông và vận tải, quản lý kho bãi và mạng lưới phân phối, quản trị vật tư và tìm kiếm nguồn cung cấp toàn cầu, phân tích và thiết kế chuỗi cung ứng. Đến năm cuối, chúng em có cơ hội học các môn tự chọn để đào sâu hiểu biết trong lĩnh vực các em đặc biệt quan tâm. Các thầy cô giáo bộ môn, chuyên viên sẽ kết nối giúp sinh viên tới các công ty hàng đầu từ nhiều ngành khác nhau qua chương trình thực tập cũng như các dự án trong lớp học về ngành logistics.

PGS-TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết hiện nay logistics chính là ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế, đồng thời đóng vai trò cơ bản trong mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Chính vì thế vấn đề phát triển ngành logistics nhằm tăng sức cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí hàng hóa được nhà nước và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài quan tâm. Thực tế, Việt Nam đang có lợi thế sở hữu nhiều kho bãi để có thể đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics. Chính vì thế việc đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các địa phương, doanh nghiệp là điều cốt lõi của các trường chuyên về kinh tế, thương mại hay ngoại thương.

Phát triển ngành logistics do có nhiều tiềm năng và hấp dẫn

Nguồn nhân lực logistics, một yếu tố quan trọng của hệ thống logistics quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành logistics trong môi trường cạnh tranh. Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực logistics đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực logistics còn rất hạn chế ở tất cả các cấp. Để tận dụng và bắt kịp xu hướng phát triển logistics trong bối cảnh cách mạng 4.0, cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển và chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với đặc thù hoạt động mang tính liên ngành, chuyên nghiệp cao cả về kinh tế, kỹ thuật

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, GS-TS Đặng Đình Đào (Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển) cho biết Việt Nam hiện là một "điểm nóng" về phát triển logistics do có nhiều tiềm năng và hấp dẫn. Do sự phát triển của công nghiệp 4.0 nên ngành nghề này càng được coi trọng và phát triển hơn. Hiện nay tại Việt Nam chỉ có 28 trường, sắp tới là có 30 trường, có các khoa đào tạo riêng cho ngành học này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về logistics ,thậm chí còn cho rằng logistics chỉ đơn thuần là các công việc về dịch vụ giao nhận, vận tải nên không quan tâm đứng mức nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực.

GS-TS Đặng Đình Đào cho biết Việt Nam hiện nay là một điểm nóng về phát triển logistics

"Thực tế nguồn nhân lực logistics Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hạn chế do chưa nhận thức thống nhất về logistics và chưa có sự quan tâm đúng mức từ chính sách đến quá trình đào tạo. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics của các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học còn nặng hàn lâm, diện quá rộng mà thiếu sự chuyên sâu vào các kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể. Hơn nữa môi trường đào tạo tại các trường đại học Việt Nam vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại một cách đại trà như hiện nay. Đó chính là thiếu sót nhất để phát triển một cách đầy đủ cho ngành học đang trên đà phát triển này".

Dự báo trong những năm tới, sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây... đã tác động mạnh đến các hoạt động của ngành logistics. Các hoạt động như quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, điều vận, tổng hợp và phân tích số liệu đã và đang được thay thế dần bằng hệ thống phần mềm tự động hóa.

Bởi vậy, nhân lực trong ngành logistics cũng cần phải có kiến thức về khoa học công nghệ logistics ,các kỹ năng nghiệp vụ, biết vận dụng trong công việc để làm chủ các phương tiện và vận hành có hiệu quả. Như vậy, hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics đã có sự định hướng và đầu tư mạnh mẽ từ chính Bộ GD-ĐT cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các trường ĐH, đào tạo nhân lực tốt cho ngành logicstics phát triển. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, logistics sẽ ngày càng hoàn thiện, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra cho các sinh viên.

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

Bài và ảnh: Dạ Thảo (ghi)