Vật thể lạ giống tàu ngầm Trung Quốc nổi trên biển khiến các chuyên gia đau đầu giải mã

Quốc tế - Ngày đăng : 14:08, 03/12/2021

Sự xuất hiện bất ngờ của một vật thể giống tàu ngầm Trung Quốc ở eo biển Đài Loan trong tuần này đã khiến thế giới xôn xao.

Động thái này làm nổi bật những nguy hiểm do sự hiện diện thường xuyên của các tàu quân sự trong tuyến đường thủy hẹp. Thậm chí, các nhà phân tích cảnh báo động thái kiểu này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột ngoài ý muốn.

Viết trên blog Covert Shores hôm 29.11, chuyên gia tàu ngầm H.I. Sutton dựa trên một bức ảnh từ vệ tinh Sentinel-2, đã xác định con tàu này thuộc Type-94 của Trung Quốc. Đây là lớp tàu có khả năng phóng tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân.

vetinh.jpg
Hình từ vệ tinh

Chiếc tàu ngầm này được cho là đang di chuyển ở eo biển ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Đây là nơi nhiều nhà phân tích cho rằng xung đột có nhiều khả năng được châm ngòi từ một vụ va chạm ngẫu nhiên hơn là một sự kiện đã được lên kế hoạch và càng nhiều tàu chiến trong một không gian hạn chế thì càng có nhiều cơ hội xảy ra sự cố.

Hiện vẫn chưa rõ lý do cho sự hiện diện của tàu ngầm ở eo biển này, nhưng ông Sutton cho biết nhiều khả năng tàu ngầm của Trung Quốc - còn được gọi là SSBN - đang thực hiện một nhiệm vụ thường lệ, có thể quay trở lại cảng Bột Hải để sửa chữa hoặc bảo dưỡng.

Nhưng các chuyên gia khác đã xem hình ảnh vệ tinh cho biết đó có thể là một thiết bị nổ và điều này đang khiến người ta bối rối.

Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: "Tất cả có thể là phần nổi của một SSBN trên bề mặt, nhưng tôi chưa từng thấy trước đây".

Eo biển Đài Loan chỉ rộng 180 km tại điểm hẹp nhất của nó. Nó đã trở thành một trong những điểm nóng quân sự của thế giới khi Trung Quốc ngày càng gây áp lực lên hòn đảo tự trị. Trong khi đó, Mỹ tỏ ý đứng về phía Đài Loan.

Tuần này, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết cần có thêm hàng không mẫu hạm của Mỹ và đối tác hiện diện ở tây Thái Bình Dương.

Phát biểu trên tàu sân bay USS Carl Vinson sau cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada và Đức, Phó đô đốc Karl Thomas cho biết các tàu sân bay quy tụ đã đưa ra một tuyên bố mang tính răn đe lớn.

Theo một báo cáo được dẫn bởi Wall Street Journal, Thomas cho biết: “Khi nghĩ về cách chúng tôi có thể chiến đấu, ... bốn tàu sân bay là một con số tốt, nhưng sáu, bảy hoặc tám sẽ tốt hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc - nước đã tự hào có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng tàu - đang tiếp tục trang bị các tàu hải quân mới.

Vào tháng 11, tàu khu trục Type 55 thứ tư là Anshan, đã gia nhập hạm đội Hải quân Trung Quốc và chiếc thứ năm Type 55 dự kiến ​​sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Type 55 được coi là một trong những lớp tàu tác chiến mặt nước hiện đại và mạnh nhất thế giới.

Theo như Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã nêu vào năm ngoái trong một báo cáo về Biển Đông và Hoa Đông thì càng có nhiều tàu hơn, tiềm năng xảy ra sự cố càng cao.

Các hoạt động của tàu và máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông "có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc hành động vô ý có thể gây ra tai nạn hoặc dẫn đến sự cố có thể leo thang thành khủng hoảng hoặc xung đột", báo cáo cho biết.

Và vào năm 2018, tai nạn đã suýt xảy ra khi một tàu khu trục của Trung Quốc lao tới gần một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ ở Biển Đông một cách nguy hiểm - điều mà Hải quân Mỹ mô tả là một "hành động gây hấn". Theo báo cáo của Hải quân Mỹ, hai con tàu cách nhau khoảng 40 mét.

Nhưng Đài Loan và các đồng minh không bó gối khi Trung Quốc khoe cơ bắp. Đài Bắc tháng trước đã bắt đầu đóng chiếc đầu tiên trong số 8 chiếc tàu ngầm được chế tạo trong nước theo kế hoạch.

Đầu năm nay, đến lượt Úc - một nước ủng hộ Đài Loan và chỉ trích sức ép quân sự ngày càng tăng trong khu vực của Bắc Kinh - cho biết họ có kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vào tháng 10, Nhật Bản đã hạ thủy chiếc thứ hai trong lớp tàu ngầm diesel-điện mới của mình. Chiếc đầu tiên trong lớp Taigei dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 3.

Khả năng xảy ra va chạm trên biển đã được chú ý vào tháng 10, khi một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Mỹ, USS Connecticut, va chạm một vật thể ngầm được cho là một ngọn núi dưới đáy Biển Đông. Connecticut, một tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân, lập tức được hộ tống trở về căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương sau sự cố đó. Và vào năm 2017, một loạt các vụ tai nạn của Hải quân Mỹ ở châu Á cũng làm dấy lên những lo ngại tương tự.

Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy tàu ngầm Trung Quốc liên quan đến tai nạn, nhưng Schuster cho rằng "đó là một bí ẩn thú vị", đồng thời ông cũng lưu ý rằng động thái bất ngờ cho tàu ngầm nổi tại eo biển Đài Loan vừa qua có thể chỉ đơn giản là cách Trung Quốc muốn thể hiện cơ bắp của mình ở eo biển sau khi chứng kiến Mỹ và đồng minh tập trận gần Đài Loan.

Anh Tú