Biến thể Omicron có thể bắt nguồn từ người Nam Phi nhiễm SARS-CoV-2 lẫn coronavirus gây cảm lạnh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:15, 04/12/2021

Có ít nhất một đột biến của biến thể Omicron được tạo ra bằng cách lấy đoạn vật liệu di truyền từ loại vi rút khác - có thể là nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường - hiện diện trong cùng các tế bào bị lây nhiễm.

Đây là phát hiện của nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Venky Soundararajan, người sáng lập công ty phân tích dữ liệu Nference có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ), từng hợp tác với chính phủ Ấn Độ và nhiều tổ chức khác tiến hành nghiên cứu về SARS-CoV-2.

Theo nhóm nghiên cứu, chuỗi gien họ ghi nhận không xuất hiện trong bất cứ biến thể SARS-CoV-2 nào trước đây nhưng lại phổ biến trong nhiều loại vi rút khác, kể cả vi rút gây cảm lạnh thông thường, lẫn trong bộ gien người.

Theo Venky Soundararajan, bằng cách chèn chuỗi gien trên vào chính nó, Omicron khiến mình “trông giống tế bào người hơn”, giúp biến thể này tránh được hệ thống miễn dịch của con người tấn công. Vì vậy mà Omicron lây lan dễ dàng hơn nhưng chỉ gây triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Giới khoa học hiện vẫn chưa thể xác định Omicron có khả năng lây lan cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể khác và vượt qua Delta hay không.

kr26tr5hdvkftcjpruqfppyivi.jpg
Nhiều nước đã có ca nhiễm biến thể Omicron - Ảnh: Reuters

Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra rằng tế bào trong phổi và trong hệ tiêu hóa có thể cùng lúc nhiễm SARS-COV-2 lẫn coronavirus cảm lạnh thông thường, tạo điều kiện cho hiện tượng tái tổ hợp: Quá trình mà hai loại vi rút khác nhau trong cùng một tế bào chủ tương tác trong khi tạo bản sao của chính chúng, tạo ra các bản sao mới có một số vật liệu di truyền từ cả hai loại vi rút.

Trong nghiên cứu, Venky Soundararajan và các đồng nghiệp cho biết đột biến mới này có thể xảy ra lần đầu ở một người nhiễm cả hai mầm bệnh khi một phiên bản SARS-CoV-2 chọn trình tự di truyền từ vi rút khác.

Trình tự di truyền tương tự xuất hiện nhiều lần ở một trong những coronavirus gây cảm lạnh ở người (có tên HCoV-229E) và trong vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV), ông Soundararajan nói.

Là nơi đầu tiên ghi nhận biến thể Omicron, Nam Phi có tỷ lệ nhiễm HIV cao bậc nhất thế giới, điều này làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây tăng nguy cơ bị tổn thương trước bệnh khác, chẳng hạn cảm lạnh thông thường. 

Venky Soundararajan cho rằng có khả năng nhiều người Nam Phi nhiễm SARS-CoV-2 lẫn coronavirus gây cảm lạnh thông thường  dẫn đến sự tái tổ hợp cho ra đời Omicron.

Giới khoa học cần phải nghiên cứu thêm để xác định nguồn gốc tạo ra loạt đột biến ở Omicron, cũng như ảnh hưởng mà chúng đem lại cho khả năng lây lan. Có vài giả thuyết cho rằng Omicron từng trải qua thời gian dài tiến hóa trên vật chủ động vật.

Venky Soundararajan nhấn mạnh phát hiện mới nhất cho thấy rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin COVID-19: “Bạn phải tiêm phòng để giúp giảm rủi ro cho người khác, bao gồm cả người bị suy giảm miễn dịch có thể nhiễm SARS-CoV-2”.

Cẩm Bình