‘Người nhiễm biến thể Delta chưa tiêm vắc xin không được bảo vệ trước Omicron’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:00, 04/12/2021
Các chuyên gia cho biết thêm 6 bang của Mỹ đã xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron hôm 3.12 nhưng Delta vẫn là mối đe dọa lớn hơn khi mùa đông bắt đầu và người Mỹ tập trung cho kỳ nghỉ.
Thêm bang New Jersey, Maryland, Missouri, Nebraska, Pennsylvania và Utah báo cáo những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên hôm 3.12.
Missouri đang chờ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận trường hợp liên quan đến một cư dân thành phố St. Louis, gần đây đi du lịch trong nước.
Các nhà khoa học vẫn đang điều tra tác động của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Các bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn so với biến thể SARS-CoV-2 trước, bao gồm cả Delta.
Sự xuất hiện biến thể Omicron gây xôn xao trên thế giới và khiến nhà lãnh đạo các nước áp đặt các hạn chế COVID-19 mới. Thế nhưng, các mắc COVID-19 chủ yếu ở Mỹ vẫn là biến thể Delta, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc CDC nói trong một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng.
Cơ quan y tế Utah cho biết ca nhiễm Omicron được phát hiện thông qua quá trình giải trình tự gen các mẫu dương tính với COVID-19 tại phòng thí nghiệm của bang.
Nebraska đã có 6 nhiễm Omicron được xác nhận. Chỉ có 1 trong số 6 người đã tiêm vắc xin và chưa ai phải nhập viện.
Thống đốc Maryland - Larry Hogan công bố 3 ca nhiễm Omicron ở bang này, đồng thời nói thêm rằng chưa ai trong số họ phải nhập viện.
Ở Pennsylvania, một người đàn ông ở độ tuổi 30 có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron.
Thống đốc New Jersey - Phil Murphy cho biết ca nhiễm Omicron đầu tiên của bang này được phát hiện ở người phụ nữ đã được tiêm vắc xin đầy đủ, gần đây đi du lịch đến bang Georgia.
Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng của Đại học Brown (Mỹ), nói với kênh MSNBC rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 có thể gây căng thẳng hơn nữa cho các bệnh viện Mỹ vốn đang phải vật lộn với số lượng bệnh nhân cao và nhân viên mệt mỏi.
"Tôi rất lo lắng về hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi trong vài tuần và vài tháng tới. Tôi không biết nó có thể xử lý được bao lâu nữa", ông Ashish Jha nói, đồng thời kêu gọi quân tiếp viện từ Vệ binh Quốc gia và các kế hoạch dự phòng khác để hỗ trợ các y bác sĩ.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên FDA, nói các bang có tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn có thể sẽ được bảo vệ tốt hơn chống lại Omicron. Ngoài ra, ông cho biết những người sống sót sau khi nhiễm biến thể Delta nhưng chưa tiêm vắc xin có thể thấy khả năng miễn dịch của họ không được bảo vệ trước Omicron
Hiện là thành viên của hãng sản xuất vắc xin Pfizer, Tiến sĩ Scott Gottlieb nói với CNBC: “Rủi ro cho tương lai là các quốc gia đang dựa vào rất nhiều ca nhiễm Delta để cung cấp khả năng miễn dịch cho dân số của họ... Họ có thể dễ nhiễm biến thể mới này”.
Omicron đã xuất hiện ở khoảng 40 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, nơi biến thể này được tìm thấy ở 11 bang: California, Colorado, Hawaii, Minnesota, New York, New Jersey, Maryland, Missouri, Nebraska, Pennsylvania và Utah.
CDC cho biết đang điều tra các ca nghi nhiễm biến thể Omicron ở một số bang khác của Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Omicron đã được phát hiện ở 40 nước nhưng chưa có ca tử vong nào do nhiễm biến thể này được báo cáo đến nay.
Người phát ngôn WHO - Christian Lindmeier nói “rất đáng khen ngợi” khi các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 đang lên kế hoạch cho khả năng cần điều chỉnh sản phẩm của họ để chống lại Omicron.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO, khuyến cáo mọi người không nên hoảng sợ trước sự xuất hiện của Omicron và cho biết còn quá sớm để nói liệu vắc xin COVID-19 có phải được sửa đổi để chống lại biến thể hay không.
"Có mối liên hệ rõ ràng giữa sự bất bình đẳng về vắc xin và xuất hiện các biến thể mới"
Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết có "mối liên hệ rõ ràng" giữa sự không công bằng trong vắc xin và sự phát triển các biến thể SARS-CoV-2 mới.
“Hoàn toàn có thể”, bà trả lời phóng viên khi được hỏi liệu có công bằng khi nói: Nếu châu Phi nhận và tiêm vắc xin nhiều hơn thì có lẽ Omicron sẽ không xuất hiện ở đây.
“Tôi nghĩ đây là một thông điệp mà Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã khẳng định ngay từ đầu. Đó không phải vì công bằng về lý do đạo đức, mà chính xác vì những lý do khoa học và dịch tễ học", Soumya Swaminathan nhấn mạnh.
Bà Soumya Swaminathan nói rằng nếu cứ để vi rút truyền từ người sang người, cuối cùng sẽ có những biến thể mới, và điều này sẽ tiếp tục xảy ra.
“Ngay cả hôm nay, vẫn chưa muộn để chúng ta nhìn lại và thực sự phân loại vấn đề này một lần và mãi mãi, đảm bảo rằng trong tương lai sẽ phân phối cả vắc xin, bộ xét nghiệm và thuốc, bởi thuốc sẽ cần thiết để cứu người bị bệnh, theo một cách công bằng”, Soumya Swaminathan cho biết. Bà nói thêm rằng đây là lý do để khởi động Access to COVID-19 Tools Accelerator (chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19) và COVAX.
Bà chia sẻ: “Có một mối quan hệ rõ ràng giữa sự không công bằng trong việc tiếp cận vắc xin và sự phát triển các biến thể mới".