Học sinh công khai hôn nhau phút chia tay: Đừng suy diễn theo hướng thảm họa

Giáo dục - Ngày đăng : 15:36, 10/07/2020

Cuối năm học luôn là điều đặc biệt ý nghĩa đối với các học sinh, đặc biệt là học sinh năm cuối cấp, chia tay bạn bè, thầy cô để bước sang môi trường đặc biệt hơn nhiều so với thời đi học.
Chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam đưa ra những lời khuyên cần thiết

Tuổi học trò luôn gắn liền với những gì ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên đáng trân trọng, tuy nhiên bên cạnh những nụ cười và giọt nước mắt chia tay của các "anh chị cả lớp 12" thì những nụ hôn thắm thiết, những cái ôm đầy bịn rịn khiến không ít người thấy ngại ngùng.

Hình ảnh các cặp đôi học sinh lớp 12 khi chia tay trong lễ bế giảng đã hôn nhau một cách thắm thiết khiến nhiều ý kiến được đưa ra. Trước đó, những năm chưa xa, các bạn học sinh thường chỉ nắm tay nhau, cùng trao cho nhau những dòng nhật ký, lưu bút, hay những cái ôm, cái nắm tay thân thiện. Nhưng thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều hình ảnh "mới lạ", thậm chí phản cảm trong ngày học sinh lớp 12 rời xa mái trường cấp 3. Nhiều người cho rằng nụ hôn chia tay ấy đã đi quá giới hạn của tuổi học trò ngây thơ, trong sáng, nhưng cũng có nhiều người lại nghĩ đó là cách thể hiện tình cảm hết sức bình thường không có gì phải phán xét, tranh cãi.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là một phụ huynh đang có con ở độ tuổi trưởng thành, khi nhìn hình ảnh những em học sinh lớp 12 hôn nhau trong thời khắc chia tay tuổi học trò, “tôi vừa thấy xúc động vừa có đôi chút lo lắng. Thật sự thì ở thời nào, cảm xúc trong ngày chia tay tuổi học trò cũng rất chân thật và trong sáng. Tôi tôn trọng cảm xúc đó của các em. Điều tôi lo lắng là các em có nhận thức rõ hành động này xuất phát từ cảm xúc trong sáng của tình bạn hay chỉ là sự học đòi phong cách phương Tây? Tuy nhiên, tôi có niềm tin vào giới trẻ. Chắc chắn các em hiểu điều mình làm và luôn sống thật với cảm xúc của mình”.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm lại có những quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau. Vì vậy, trước khi đưa ra bất cứ một quan điểm nào rất mong các vị phụ huynh có cái nhìn toàn diện, tổng thể để các em học sinh giữ lại được những khoảnh khắc hồn nhiên, trong sáng nhất tuổi học trò.

Những màn "khóa môi" của học sinh cuối cấp cũng gây nên tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng. Dù đang ở độ tuổi "nhất quỷ nhì ma" nhưng những hành động có phần "buông thả" như thế sẽ tạo ra hình ảnh, thậm chí còn trở thành thói quen trong một bộ phận học sinh ngày nay. Sự trong sáng và cách hành động có văn hóa vẫn cần được đề cao trong mọi hoàn cảnh, mọi diễn biến của đời sống hiện đại, nên các học sinh cũng không nên để cảm xúc, sự thoải mái quá trớn chi phối bản thân, sẽ tạo ra những hình ảnh khó coi, dễ bị đánh giá không hay.

PGS-TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng phụ huynh nên nhìn thoáng cách giáo dục con và đừng suy diễn theo hướng thảm họa hóa vấn đề

Đưa ra quan điểm khác, chuyên gia tâm lý giáo dục PGS-TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng khi nhìn những bức ảnh các bạn học sinh hôn nhau chia tay thời cấp 3, ông thấy đó chỉ là những hình ảnh tình cảm trong trắng tuổi học trò. Theo ông, chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập các chủ đề về tình dục. Điều ấy ở khắp mọi nơi, chúng có thể len lỏi vào các trường học làm cho tuổi quan hệ tình dục lần đầu giảm xuống nhóm 12-13 tuổi, tỷ lệ nạo phá thai tuổi THPT tăng…

"Nhưng tôi mong rằng chúng ta đừng suy diễn theo hướng thảm họa hóa vấn đề như thế. Đó chỉ là những giả định có thể chẳng chính xác, chẳng làm cho chúng ta vui, thậm chí tạo áp lực khoảng cách với con cái chúng ta. Nếu các con có tình cảm với nhau thật sự khi ngồi trên ghế nhà trường thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Có khác chăng là chúng ta nên nói cho các em rõ về việc nếu đi sâu xa hơn tình cảm thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau. Chính thái độ của người lớn về những bức ảnh này mới gây ảnh hưởng nhiều đến lòng tự trọng hoặc mối quan hệ với các em. Phản ứng tiêu cực không bình tĩnh của người lớn, giả định hôn nhau công khai thế này thì chắc chắn phải làm chuyện xấu rồi sẽ là bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái. Con cái sẽ giấu không bao giờ chia sẻ những chủ đề có liên quan nữa và cha mẹ sẽ chẳng biết đâu mà định hướng cho con” - chuyên gia tâm lý giáo dục Trần Thành Nam cho hay.

Ông Nam cũng khuyến cáo nếu cha mẹ làm cho con trẻ cảm thấy hành động này là cấm kỵ, chúng sẽ vẫn làm nhưng giấu diếm không để cho cha mẹ biết nữa. Điều này còn nguy hiểm hơn. Thay vì thế, chúng ta nhận ra con đã lớn, trao cho con sự tự chủ và khuyến khích tính trách nhiệm của con với những hành vi của mình. Đó mới là phương cách đúng.

Để giảm thiểu những hệ quả không mong muốn, gia đình, nhà trường và xã hội trước tiên cần phải thay đổi với những suy nghĩ sai lầm về việc giáo dục giới tính, tình dục cho các em. Gia đình và nhà trường với sự chung tay của cộng đồng xã hội để giáo dục cho các em ý thức về tình bạn – tình yêu – tình dục. Không cần quá lo lắng về việc chúng ta không phải là chuyên gia. Chính thái độ quan tâm, tin tưởng và định hướng giá trị của gia đình và nhà trường sẽ là những “bộ thắng” cho trẻ mỗi khi dự định đi quá đà.

Bài, ảnh: Dạ Thảo