Việt Nam là một trong những nước phục hồi kinh tế chậm nhất: Không chỉ do chính sách

Góc bình luận - Ngày đăng : 12:00, 05/12/2021

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 30.11, rằng Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất trong đại dịch. Các nước phục hồi rất nhanh theo hình chữ V nhưng Việt Nam có vẻ như đang là chữ U. Tại sao như vậy?

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng các nước coi dịch bệnh COVID-19 là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc, vì thế kinh tế xuống rất nhanh nhưng phục hồi cũng rất nhanh theo hình chữ V. Còn Việt Nam có vẻ như đang là chữ U. Việt Nam có thể gặp cả vấn đề về cấu trúc chứ không đơn thuần là tai nạn y tế. “Điều đó cũng đúng vì chúng ta đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế và chưa đâu vào đâu. Điều này chứng tỏ Việt Nam ngoài bị COVID-19 thì còn bị 'bệnh nền' nên phục hồi chậm hơn”, ông Nghĩa nói.

“Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi kinh tế nhanh. Hầu hết chúng ta mới có các gói gián tiếp, loay hoay ở việc giãn, hoãn tài khóa, tiền tệ, chứ chưa có gói tài lực trực tiếp nào, hoặc có nhưng cũng không đáng kể, nhìn chung chưa tới 1% GDP”, ông Nghĩa nói. Trong khi đó, theo ông, các gói kích cầu của nhiều nước rất lớn, ví dụ Nhật Bản lên gần 70% GDP, Mỹ trên 30% GDP, châu Âu cũng trên 20% GDP, còn Trung Quốc và Thái Lan khoảng 10% GDP.

Điều quan trọng hơn, theo ông Nghĩa, là "chính sách có vẻ lúng túng". Chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống COVID-19. “Cả giai đoạn tới đây cũng không có mục nào là tài chính dành cho COVID-19 cả, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước. Cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để xử lý vấn đề như trong tình trạng khẩn cấp, nên chúng ta lúng túng thực sự”.

Ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, để phục hồi kinh tế “cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh (...). Đồng thời, phải sử dụng các biện pháp thị trường, tránh hành chính hóa”. Điều ông Hiếu nói thực ra vẫn luôn là điều bức thiết đối với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh nói chung, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Nay trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang hoành hành và cản trở sự phục hồi kinh tế thì những yêu cầu trên lại càng mang tính cấp bách hơn bao giờ hết.

vov.jpg
Các khách sạn, nhà nghỉ ở thành phố du lịch Đà Lạt đóng cửa - Ảnh: VOV

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.100 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là gần 39.500, tăng 17,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 14.900, giảm 3,7%. Bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Nghiêm trọng nữa là chỉ riêng trong quí 3, GDP của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ giảm tới 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là có mức tăng nhẹ 1,04%.

Nhìn tới trước, dựa vào đâu để đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế, để Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng là một trong những nước phục hồi kinh tế chậm nhất, theo hình chữ U? Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, cho tới nay Việt Nam vẫn thiếu một hướng dẫn tổng thể, nhất quán giữa các địa phương, giữa các bộ ngành về việc sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, tạo điều kiện cho kinh tế bật dậy trở lại.

Điều đáng nói khi nhìn vào bức tranh tổng thể nêu trên là một số địa phương dường như chưa thấy hết sự bức bách của yêu cầu phục hồi kinh tế. Trong chỉ đạo phòng chống dịch của một số địa phương, ta không nhận thấy tinh thần chủ động sống chung an toàn, linh hoạt với dịch để phục hồi kinh tế, phục hồi cuộc sống người dân, từng bước mở cửa cho hoạt động kinh tế tùy theo cấp độ dịch, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Ngược lại, sau khi lặp lại câu “chung sống an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Nghị quyết 128 như một khẩu hiệu suông thì những biện pháp cụ thể của một số địa phương đề ra và buộc người dân và doanh nghiệp thực hiện vẫn toát lên tinh thần Zero Covid như thời chưa xuất hiện biến chủng Delta, vẫn muốn ngăn dịch xâm nhập địa phương bằng những biện pháp hành chính nặng mùi cát cứ, gây khó khăn cho việc phục hồi hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.

Chẳng thế mà có địa phương, cứ nhà nào có người từ TP.HCM về cho dù là chỉ để thăm gia đình thì nhà ấy bị “giăng dây”; có cửa hàng ở Đà Lạt bị phản ánh trên mạng xã hội là đã đề bảng mang đầy tính kỳ thị “không bán cho người Sài Gòn” (cầu mong điều đó là không có thực); có những thành phố du lịch mà khách sạn, nhà nghỉ không dám nhận khách du lịch từ nơi khác tới lưu trú. Không rõ những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở những địa phương ấy rồi sẽ lấy từ nguồn thu nào để tồn tại, để nuôi nhân viên và gia đình họ. Thay vì được “sống chung thích ứng, an toàn với dịch”, họ bị cắt nguồn sống vì lý do chống dịch.

Thật ngạc nhiên, trong khi TP.HCM đã dỡ bỏ hầu hết các chốt kiểm soát trên các ngả đường vào thành phố thì cho đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) vẫn duy trì chốt kiểm soát trên quốc lộ 51 tại Phú Mỹ (giáp với huyện Long Thành của Đồng Nai) được dựng lên từ ngày 8.5 cùng với hai chốt khác trên quốc lộ 55 và 56 tiếp giáp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) và Hàm Tân (Bình Thuận), với 6 cán bộ nhân viên trực ở mỗi chốt. Quốc lộ 51 là quốc lộ, không chỉ đi qua BRVT mà còn đi Bình Thuận và đi tiếp qua các tỉnh khác, nhưng tất cả xe cộ đều phải dừng lại để “khai báo y tế”.

vungtau.jpg
Lực lượng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chức năng giăng dây ngưng hoạt động một khu chợ - Ảnh: Báo BRVT

Nếu hành khách không cư trú hay lưu trú ở BRVT mà đi tiếp tới các tỉnh khác thì tại sao phải khai báo y tế giữa đường thay vì ở điểm đến? Lại nữa, ở trạm kiểm soát này, người ta không chấp nhận khai báo qua ứng dụng PC-COVID mà buộc phải dùng VNEID, trong khi từ ngày 13.11 ba bộ Y tế, Thông tin-Truyền thông và Công an đã thống nhất sử dụng PC-COVID là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Có người thắc mắc tại sao không được dùng app PC-COVID thì được cán bộ trạm trả lời “lên mà hỏi Chính phủ”. Đó chẳng phải cát cứ thì là gì? Khó khăn, nhiêu khê là vậy nhưng thử hỏi liệu có hiệu quả gì cho phòng chống dịch khi có người sau khi đi qua trạm này 3 ngày thì mới nhận được tin nhắn vào điện thoại từ UBND tỉnh BRVT “đề nghị Quý khách thực hiện nghiêm khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, khai báo lưu trú theo quy định…”.

Lại có địa phương như thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - một tỉnh sống nhờ nguồn thu quan trọng từ du lịch, vậy mà tại thôn Bình Lập có cơ sở lưu trú cho khách du lịch vốn đã hoạt động và tạo việc làm cho không ít người dân trong thôn từ nhiều năm nay nhưng vì quy định phòng chống dịch phải đóng cửa, nay sau khi có Nghị quyết 128, thay vì được tạo điều kiện hoạt động lại như hoặc gần như trước dịch thì lại bị làm khó dễ bằng cách đòi hỏi những loại giấy tờ hành chính mà trước dịch không có. Nều địa phương nào cũng hành xử như vậy thì làm sao phục hồi kinh tế?

Cho tới hôm nay, khi hầu như mọi tỉnh thành đều có các ca nhiễm Covid-19, kể cả các tỉnh thành áp dụng những biện pháp hành chính ngặt nghèo nhất như Lâm Đồng, BRVT, không rõ người ta có nhận ra rằng mọi cố gắng ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 bằng hàng rào thép gai, rào chắn, trạm kiểm soát và những biện pháp hành chính ngặt nghèo nhất cũng vô ích trong việc ngăn chặn con vi rút. Thay vì, như các chuyên gia y tế đã đúc kết và khuyến cáo, lẽ ra phải tập trung cho việc sớm phủ vắc xin đủ liều cho dân, nhắc nhở dân chúng thực hiện 5k, củng cố hệ thống y tế cơ sở, củng cố và tăng cường năng lực, nhân viên và trang thiết bị y tế, thuốc men cho các cơ sở điều trị. Và mở cửa cho hoạt động kinh tế tùy theo cấp độ dịch để kinh tế sớm phục hồi.

Với tâm lý co cụm, lạm dụng biện pháp hành chính, với tình trạng cát cứ trong phòng chống dịch của một số địa phương, thậm chí gây khó khăn mới, khó khăn thêm cho doanh nghiệp thay vì hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi hoạt động, bao giờ Việt Nam mới thoát ra khỏi tình trạng phục hồi chậm, bao giờ mới thoát khỏi tình trạng phục hồi theo hình chữ U?

Vấn đề không chỉ là thiếu một hướng dẫn tổng thể, nhất quán giữa các địa phương, các bộ ngành về việc sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch; vấn đề không chỉ là sự “lúng túng về chính sách” như các chuyên gia kinh tế nói, vấn đề còn là cần kiên quyết dẹp bỏ thứ tư duy cát cứ, chuộng phong tỏa, chuộng sử dụng biện pháp hành chính mà không thấy rằng nền kinh tế quốc gia là một tổng thể không thể chia cắt. Kinh tế chia cắt thì chẳng khác nào con người tự chặt tay chân mình, tự ngăn máu lưu thôngtrong huyết quản. Khi doanh nghiệp ngưng hoạt động, khi cuộc sống người dân điêu đứng, nhà nước địa phương sẽ sống bằng gì nếu cứ cát cứ?

 

Đoàn Khắc Xuyên