Ngành giải trí, truyền thông chuyển mình cùng công nghệ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:50, 05/12/2021
Blockchain đang là trụ cột của ngành công nghệ
Theo báo cáo PwC, ngành giải trí và truyền thông toàn cầu đã lấy lại đà phát triển, với doanh thu vượt xa nền kinh tế nói chung. Định giá thị trường truyền thông trực tuyến của Việt Nam tính đến năm 2019 là 2,8 tỉ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Ngành công nghiệp trị giá hơn 2 nghìn tỉ USD này đang trên đà tăng trưởng 6,5% vào năm 2021 và 6,7% vào năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ về nội dung kỹ thuật số và quảng cáo. Theo PwC, riêng với lĩnh vực giải trí và truyền thông (E&M), Việt Nam sẽ liên tục tăng trưởng 6,1% về số lượng người dùng đến năm 2023.
Công nghệ blockchain đang làm thay đổi ngành công nghiệp game khi mở ra các mô hình kinh doanh cùng nguồn thu mới. Thống kê của Newzoo cho biết năm 2019 doanh số thị trường game toàn cầu đạt 145,7 tỉ USD, cao gấp hơn 7 lần so với thị trường âm nhạc.
Đến năm 2021, ước tính doanh số thị trường game chạm ngưỡng 175,8 tỉ USD. Và dự đoán, thị trường game sẽ phát triển mạnh mẽ để đạt 218,7 tỉ USD vào năm 2024.
Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo giải trí và truyền thông 2021 với chủ đề “Tương lai trong tầm tay” (diễn đàn này được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam 2021), anh Phan Tùng - đồng sáng lập Moon Knight Labs và là Giám đốc tiếp thị Faraland, chia sẻ: “Blockchain là công nghệ quản lý dữ liệu và là trụ cột của ngành công nghệ. Khi ứng dụng vào game, nhà phát hành cần phải ứng dụng sâu hơn để quản lý dữ liệu chứ không chỉ gắn blockchain vào game".
Anh Tùng cũng nhấn mạnh tiêu chí để Moon Knight Labs chọn sản phẩm game để đồng hành là nhà phát hành cần phải hiểu rõ họ đang làm gì với blockchain game.
Anh Tùng cho rằng nhiều đơn vị muốn sử dụng blockchain cần phải quan tâm tới ý tưởng có thực sự cần khi đưa blockchain vào để huy động vốn...
Mặc dù thời cơ có, tiềm lực có nhưng để doanh nghiệp game Việt hiện thực hóa tham vọng chuyển mình nhờ blockchain vẫn còn gặp phải nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất đến từ ngay chính sách. Hiện tại quy định pháp luật về blockchain hay NFT gần như chưa có.
Theo anh Trí Phạm - Giám đốc điều hành, và là người sáng lập Whydah, đồng sáng lập KardiaChain, trong những làn sóng công nghệ, blockchain mang lại lợi thế cạnh tranh so với thế giới, mang lại giá trị cộng đồng. Game NFT mở ra cơ hội rất lớn cho ngành game Việt Nam.
Trao quyền cho nhà sáng tạo nội dung
Trong một thập niên qua, bất cứ ai với chiếc điện thoại thông minh trên tay đều có thể trở thành một nhà sáng tạo nội dung. Instagram ra mắt vào năm 2010 đã cung cấp các hiệu ứng (filter) giúp những bức ảnh bình thường trông bắt mắt. TikTok cũng giúp việc chỉnh sửa các nội dung video trở nên đơn giản.
Theo báo cáo của Signal Fire, trong số khoảng 50 triệu nhà sáng tạo ở thời điểm này, chỉ có khoảng 2 triệu nhà sáng tạo chuyên nghiệp, 48 triệu còn lại là những người làm nội dung nghiệp dư. Nhiều nhà sáng tạo tập trung vào việc kiếm tiền, khiến đây trở thành một trong những công việc hấp dẫn nhất trong thế kỷ 21.
Chia sẻ về định nghĩa nền kinh tế sáng tạo, anh Nicholas Phạm - Giám đốc vận hành sản phẩm, TikTok Việt Nam, cho rằng đây là một thị trường mới và chưa có nhiều người hiểu rõ.
Thị trường kinh tế sáng tạo ở Việt Nam được anh Nicholas Phạm miêu tả là đang “bùng nổ mạnh mẽ” và đang hình thành để giúp nhiều người có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều người đã đầu tư rất nhiều vào việc sáng tạo nội dung và đã đạt được thành công nhất định.
Trên cương vị Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách thị trường Việt Nam, chị Hà Lâm Tú Quỳnh cho biết nền kinh tế chia sẻ được tạo ra bởi những người sáng tạo nội dung và xoay quanh họ.
Theo chị Quỳnh, ngoài bề nổi là chia sẻ hoặc tạo ra xu hướng, những người sáng tạo nội dung cũng tạo ra giá trị kinh tế bằng cách kết hợp với các nhãn hàng. Trong 3 năm qua, YouTube đã trả hơn 30 tỉ USD cho các nhà sáng tạo nội dung. Điều này cho thấy giá trị rất lớn của ngành này.
Chia sẻ về tiềm năng cho các startup Việt Nam, theo chị Quỳnh, nền kinh tế chia sẻ không chỉ dừng ở mạng xã hội mà còn trên các nền tảng ứng dụng khác, tin nhắn. Điều quan trọng là có thể nắm được nhu cầu của cộng đồng và các xu hướng của nhà sáng tạo nội dung.
Anh Nicholas nhận định: “Các doanh nghiệp thường cảm thấy khó có thể có khả năng sáng tạo hay có đội ngũ như các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp. Để trao quyền, TikTok đã làm 2 mảng để hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung”.
Thứ nhất là hỗ trợ sản phẩm hay bộ công cụ để nhà sáng tạo có thể sáng tạo theo ý họ. Thứ nhì là các chiến dịch và định hướng. Đây là điều quan trọng khi người dùng đang làm quen với việc sáng tạo nội dung và cũng hỗ trợ cho nhà sáng tạo nội dung trong những bước đầu tiên.