EU sẽ có ‘vũ khí’ đối phó bắt nạt kinh tế từ Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 09:35, 07/12/2021

Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra xem xét một dự thảo đề ra loạt biện pháp thương mại mà khối có thể dùng để trừng phạt quốc gia thực hiện hành vi bắt nạt kinh tế như Trung Quốc.

Theo dự thảo mà tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) xem được, công cụ chống bắt nạt nhắm vào đối tượng quốc gia cố can thiệp vào những lựa chọn chủ quyền hợp pháp của EU hay 1 trong 27 thành viên EU, bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng vài biện pháp ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.

Dự thảo đề ra nhiều biện pháp, bao gồm thuế quan, hạn chế tiếp cận thị trường thông qua hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hạn chế tiếp cận thị trường đầu tư hoặc chương trình mua sắm công. Cụ thể, quốc gia thực hiện hành vi bắt nạt sẽ bị chặn khỏi nguồn cung hàng hóa nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của EU, bị tước quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngành hóa chất, phải đối mặt với quy định kiểm tra vệ sinh và kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt nếu muốn tiếp cận thị trường thực phẩm.

“Khối chỉ nên áp dụng loạt biện pháp trừng phạt khi các phương thức khác như thương lượng, hòa giải hoặc phân xử không dẫn đến việc chấm dứt nhanh chóng và hiệu quả hành vi bắt nạt kinh tế, cũng như việc khắc phục hậu quả mà hành vi gây ra”, theo dự thảo. Trách nhiệm triển khai công cụ chống bắt nạt thuộc về Ủy ban châu Âu (EC) nên có rất ít khả năng một hay vài nước thành viên ngăn chặn được nỗ lực áp dụng biện phát trừng phạt.

Dự thảo trên sẽ được công bố vào ngày 8.12, sau đó trải qua một quy trình lập pháp kéo dài trước khi trở thành đạo luật chính thức.

eu.jpg
Bắt nạt kinh tế từ Trung Quốc là vấn đề nhiều nước thành viên EU gặp phải - Ảnh: Reuters

Nhiều năm qua, không ít thành viên EU chỉ trích Trung Quốc bắt nạt kinh tế. Sau khi Thụy Điển quyết định cấm Huawei cùng ZTE tham gia phát triển 5G quốc gia, Trung Quốc đã cho hủy ngay chuyến công tác của một phái đoàn thương mại đến quốc gia Bắc Âu, ban hành khuyến cáo du lịch, dọa trả đũa tập đoàn viễn thông Ericsson.

Trường hợp mới nhất là Lithuania. Vì Lithuania cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện dùng tên “Văn phòng đại diện Đài Loan” thay vì “Văn phòng đại diện Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc” như thông lệ, Trung Quốc mới đây tuyên bố hạ cấp quan hệ song phương, kèm theo đó là dừng các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Lithuania, rút giấy phép xuất khẩu của một số doanh nghiệp Lithuania.

Phía Lithuania hiện nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Mỹ. Nước này cũng lên tiếng yêu cầu EU giúp đối phó với hành vi bắt nạt kinh tế từ Trung Quốc.

Nội bộ EU còn chia rẽ xung quanh công cụ chống bắt nạt mà dự thảo nêu trên đề ra. Thụy Điển dù bị Trung Quốc bắt nạt nhưng lại thuộc phe không đồng tình mà đề nghị khối giải quyết vấn đề theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong khi đó Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Cẩm Bình