TP.HCM: Năm 2021 có 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc do kiệt sức và thu nhập thấp
Sự kiện - Ngày đăng : 12:58, 08/12/2021
Sáng 8.12, kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa 10 bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM.
Đây là phiên chất vấn đầu tiên của HĐND TP.HCM khóa 10. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM là người đầu tiên được chất vấn.
Tại đây, ĐB Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nêu tình trạng trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc rất nhiều. “Tình hình dịch bệnh hiện nay còn phức tạp, Sở Y tế TP.HCM có tham mưu chính sách gì đối với UBND TP.HCM để thu hút nhân lực cho y tế cơ sở”, ĐB Phạm Văn Rậm hỏi.
Tham gia chất vấn, ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành, Trưởng khoa Khoa Hoằng pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đề nghị Giám đốc Sở Y tế nêu rõ quyết sách cụ thể nào giúp tăng cơ sở vật chất, vật tư, thuốc, nhân sự cho y tế cơ sở? TP.HCM đã chuẩn bị thế nào để ứng phó có hiệu quả nếu đại dịch COVID-19 bùng phát lần nữa?
Tiếp đó, ĐB Tăng Hữu Phong phát biểu nhận định thời gian qua, đội ngũ y tế chống chịu ở mức cao nhất, sắp tới sẽ còn chống chịu nữa, nhất là đối mặt với một số nhân viên nghỉ việc. Ông Phong dẫn chứng Thông tư 08 liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định trạm y tế chỉ có 5 người, với trạm y tế phường và thị trấn trên 8.000 dân thì cứ tăng 2.000 - 3.000 dân thì thêm 1 biên chế, tổng không quá 10 biên chế. Như vậy, một trạm y tế có 18.000 dân trở lên thì có 10 người.
Quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập đối với một thành phố đông dân như TP.HCM. Qua thống kê, thành phố có 182 trạm y tế có quy mô dân số trên 18.000 dân, có 40 trạm y tế quy mô trên 50.000 dân, có 3 trạm y tế trên 100.000 dân trở lên, riêng xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) có 125.000 dân, cao gấp 5-6 lần.
“Vậy quan điểm của Sở Y tế về vấn đề này như thế nào và hướng giải quyết ra sao? TP.HCM cần bao nhiêu nhân lực y tế tuyến phường, xã để đảm đương vừa chống dịch vừa đảm bảo các chương trình mục tiêu quốc gia? Lượng nhân viên y tế trên địa bàn còn đủ để tuyển dụng không hay tuyển dụng ở tỉnh thành bạn, khi nào thực hiện và kinh phí ra sao?”, ông Phong đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đã rút ra kinh nghiệm sâu sắc. Trong các bài học kinh nghiệm, có bài học kinh nghiệm về củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm thu hút và đảm bảo nhân lực cho y tế cơ sở, các trạm y tế. Đó cũng là vấn đề mà ĐB Tăng Hữu Phong và ĐB Thượng tọa Thích Minh Thành nêu ra.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin, về nhân lực y tế, TP.HCM có 20 bác sĩ/10.000 bệnh nhân, cao gấp đôi so với cả nước. Nhưng nhìn qua các nước trên thế giới thì chỉ số bác sĩ dao động từ 36-44-62/10.000 dân. Thực tế cho thấy, số bác sĩ/10.000 dân còn thấp so với nhu cầu. Bình thường đã thấy và dịch thì càng thấy rất thiếu bác sĩ.
Đối với nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, TP.HCM ở mức thấp nhất trong cả nước, chỉ có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân, trong khi cả nước là 7,42 nhân viên/10.000 dân.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đang xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, đề xuất chính sách giữ chân nhân viên y tế, làm thế nào cho nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc.
GĐ Sở Y tế TP.HCM thừa nhận, năm nay nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, gần 1.000 nhân viên. Con số này hàng năm là 400-500 người nghỉ việc. “Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do. Nếu nói nhân viên y tế đã kiệt sức cũng không sai bởi gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp”, Ông Tăng Chí Thượng giãi bày.
Vì thế, giải pháp trước mắt mà ngành y tế đưa ra là giữ chân để nhân viên y tế ít nghỉ việc. Cụ thể là đề xuất hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế, làm sao bác sĩ có thêm 1-1,5 lương tối thiểu vùng (tức là thêm khoảng 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng), điều dưỡng có thêm khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
GĐ Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm, năm 2015, UBND TP.HCM hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chỉ từ 450.000-800.000/người/tháng. Mức hỗ trợ này rất khó cho nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống cá nhân và hỗ trợ gia đình. Cùng với giải pháp giữ chân, mối quan tâm tiếp theo của ngành y tế là làm thế nào thu hút được nhân lực đến công tác tại các trạm y tế. “Đây là thách thức rất lớn”, ông Thượng đánh giá.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, Sở đã trao đổi rất nhiều với trường đại học, kiến nghị một cơ chế mới và mong được sớm thông qua. Đó là, cơ chế để bác sĩ mới tốt nghiệp – theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện của thành phố, của quận huyện để thực hành 18 tháng thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề - thay vì bệnh viện thực hành thì về y tế cơ sở thực hành 12 tháng, ở bệnh viện 6 tháng.
Theo GĐ Sở Y tế TP.HCM, kiến nghị này mang lợi ích cho cả 2 phía: bác sĩ mới tốt nghiệp được về y tế cơ sở, gần dân, hiểu dân, có lợi cho công tác lâu dài; y tế cơ sở có thêm nhân lực.
Ước tính, nếu cơ chế được thông qua, mỗi năm có ít nhất 500 bác sĩ, lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ xuống y tế cơ sở vừa công tác vừa thực hành để lấy chứng chỉ.
“Để bác sĩ yên tâm, chúng tôi cũng kiến nghị TP.HCM hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian bác sĩ xuống y tế cơ sở, với mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng (hơn 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng). Và bác sĩ cũng không phải đóng tiền thực hành (bình thường phải đóng tiền để thực hành ở bệnh viện)”, GĐ Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu giải pháp và tin tưởng sẽ có thêm đội ngũ bác sĩ trẻ cho y tế cơ sở.
Về lâu dài, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng mong muốn Quốc hội xem xét, phân biên chế cho trạm y tế không theo địa giới hành chính mà theo dân số.
Hiện nay, giao định biên tối thiểu là 5 và tối đa là 10 người trong 1 trạm y tế. Trong khi đó, dân số ở phường, xã, thị trấn rất khác nhau. Có phường 18.000 dân, có phường 120.000 dân, thậm chí 140.000 dân mà số lượng nhân viên y tế là như nhau.
Theo ông Tăng Chí Thượng “Lý tưởng nhất cứ 1 vạn dân là có 1 trạm y tế với khoảng 5 nhân viên cũng được. Nhưng điều đó đòi hỏi phải thời gian dài. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị tăng gấp đôi biên chế hiện hữu, thay vì tối thiểu 5 thì phải tối thiểu là 10. Tối đa từ 10 thành 20 nhân viên y tế”.