Triển lãm mỹ thuật: "Theo đuổi những điều phiền toái"

Văn hóa - Ngày đăng : 18:10, 08/12/2021

Triển lãm “Theo đuổi những điều phiền toái” của nữ họa sĩ có cái tên rất lạ ng. anhanh sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 9.12.

ng. anhanh là một nhà thơ, có tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Anh, sinh 1984 tại Sài Gòn. Cô đã sáng tác thơ được hơn 15 năm với các bút hiệu Tiểu Anh, Anh Anh… và đã in một tập thơ song ngữ Đã là một phiền toái (2019) với bút hiệu ng. anhanh - bút hiệu không viết hoa. Hiện cô đang sinh sống tại Sài Gòn.

Có thể nói ng. anhanh là một trường hợp “đẻ ngang hông” của làng mỹ thuật, vì bản thân cô trước đây không có ý định vẽ tranh, dù có một thời gian ngắn qua xưởng họa sĩ Lương Lưu Biên học vẽ. Thế nhưng ng. anhanh tự nhận là hơi lười nhác, thường chỉ vẽ chơi chơi.

Sài Gòn phải giãn cách một thời gian khá dài vì đại dịch COVID-19, đó cũng là dịp để ng. anhanh cầm cọ vẽ. Cô vẽ rất nhiều, khi được hỏi vì sao vẽ nhiều như vậy, ng. anhanh trả lời vui rằng: “Tôi vẽ để bớt điên. Khi vẽ tôi thấy mọi thứ nó thoát ra ngoài, nhẹ đầu, khác hẳn khi làm thơ, mọi thứ nó vận vào trong, thấy hơi nặng nề”.

“Những bức tranh này được vẽ trong thời gian Sài Gòn lockdown, trong khoảng thời gian thật sự kinh khủng, tôi vừa muốn nói lên những cảm xúc lúc đó, vừa muốn lánh xa chúng. Và thế là tôi bắt đầu bằng bộ tuýp acrylic mà chồng tôi mua về, nhưng không sử dụng. Cứ thế sự dẫn nhập, chạy trốn, theo đuổi liên tiếp diễn ra như một vòng lặp”.

lockdown-in-saigon.jpg
Tác phẩm "Lockdown in Saigon" của ng. anhanh

Họa sĩ ng. anhanh tâm sự: “Từng mơ hồ giữa việc nghệ thuật là phương tiện giải quyết những rắc rối đời sống, những phiền toái của cảm xúc, hoặc chính những thứ từng được cho là phiền toái lại là điều kiện cần để dẫn nhập vào nghệ thuật. Nó không còn chỉ là một phương tiện để giải tỏa như lầm tưởng của bản thân ban đầu, mà trở thành một đích đến cho sự chỉn chu và nghiêm túc”.

Với ng. anhanh, vẽ ban đầu chỉ là phương tiện giải quyết phiền toái nhưng cũng chính vẽ đã thành một sự phiền toái đầy mời gọi. Con đường này cũng có thể ví như Alice lạc vào xứ sở thần tiên, đầy mộng mị, hồ nghi, rắc rối và hấp dẫn của sự trưởng thành về tâm thức.

in-the-breath-of-sunlight-tieng-tho-cua-nang.jpeg
Tác phẩm In the breath of sunlight (Tiếng thở của nắng)

Theo ng. anhanh, ai cũng một lần trong đời muốn tự mình vẽ nên một bức tranh và cô cũng nằm trong số đông đó. Nhưng có lẽ ng. anhanh chưa chưa bao giờ có tham vọng trở thành một họa sĩ. Với thơ văn chữ nghĩa có thể là việc cô tình nguyện lựa chọn, còn ngôn ngữ hội họa đầy màu sắc lại là thứ để nữ họa sĩ giải tỏa.

263768270_10224384788941158_556398284140480719_n.jpg
Nữ họa sĩ ng. anhanh tại phòng trưng bày trước ngày khai mạc - Ảnh: Lý Đợi 

ng. anhanh thừa nhận: “Mục đích ban đầu của tôi khi đến với thơ và hội họa chỉ là những phương tiện để giải tỏa cảm xúc cá nhân, nhưng tôi không muốn sử dụng chúng như một sự hời hợt, bỡn cợt, xuề xòa. Từ đó nó trở thành một cuộc theo đuổi nghệ thuật lúc nào không rõ”.

Triển lãm Theo đuổi những phiền toái của ng. anhanh sẽ khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 9.12 tại Rei Bar & Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM), kéo dài đến hết 26.12.

"Theo đuổi những phiền toái" là một ý niệm rất hay. Nó làm tôi nhớ đến câu ‘phiền não tức bồ đề’, ám chỉ rằng mọi thứ rắc rối trên cuộc đời này lại chính là nền tảng để người ta phải vững bước đi qua cho đến khi chạm đến cái gì đó gọi là tự tại rốt ráo. Chẳng ai có thể gạt bỏ những phiền toái trong cuộc sống này khi mà nơi đâu nó cũng hiện diện. Vậy thì tại sao không ‘theo đuổi’ nó đến cùng để thấy ra bài học trong đó. Như thế việc theo đuổi này hóa ra lại là một cuộc chơi quá thú vị để có thể nói lời từ chối.

Blogger Trang Ps 

Tôi cho rằng ng. anhanh ít khi chuẩn bị cho việc mình ‘sẽ làm một bài thơ’. Mà những cảm giác cơ thể, trạng thái cảm xúc, hay trải nghiệm tri giác (thường là ập đến nhất thời) đã ảnh hưởng sâu sắc đến tác giả, để bật ra những khổ thơ/tứ thơ, nhanh và khác biệt. Sự dị biệt đến mức trái chiều nhau thậm chí xuất hiện ngay chính trong một câu thơ, một bài thơ.

 Nhà thơ Trần Tuấn 

Tiểu Vũ