WHO nói về hiệu quả vắc xin Pfizer với Omicron, Nam Phi báo số ca COVID-19 kỷ lục trong đợt dịch mới

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:51, 09/12/2021

WHO cho biết còn quá sớm để nói liệu việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa là vắc xin COVID-19 kém hiệu quả hay không.

Hôm 8.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói các quốc gia cần đánh giá lại phản ứng của họ với COVID-19 và tăng tốc các chương trình tiêm vắc xin để đối phó với Omicron, dù vẫn còn quá sớm để nói rằng các mũi tiêm hiện tại sẽ bảo vệ tốt như thế nào trước biến thể mới.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói sự lây lan toàn cầu của Omicron cho thấy biến thể này có thể có tác động lớn đến đại dịch COVID-19 và thời gian để ngăn chặn nó là trước khi có thêm nhiều bệnh nhân nhập viện.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia tăng cường giám sát, xét nghiệm và xác định trình tự. Bất kỳ sự tự mãn nào bây giờ sẽ phải trả giá bằng mạng sống", ông nói trong cuộc họp báo.

Theo Mike Ryan, Giám đốc các vấn đề khẩn cấp của WHO, do Omicron có vẻ dễ lây lan hơn nên cần phải nỗ lực gấp đôi để phá vỡ chuỗi lây truyền.

WHO đã ghi nhận bằng chứng ban đầu từ BioNTech - Pfizer về hiệu quả của vắc xin chống lại Omicron.

BioNTech (công ty công nghệ sinh học Đức) và Pfizer (hãng dược phẩm Mỹ) nói rằng mũi vắc xin thứ ba của họ làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên 25 lần.

Máu thu được từ những người tiêm mũi vắc xin Pfizer - BioNTech thứ 3 cách đây 1 tháng đã vô hiệu hóa biến thể Omicron, với hiệu quả tương đương máu thu từ người nhận 2 liều vắc xin này chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc).

Với hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech, Alex Sigal, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi, đã quan sát thấy sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

truong-nhom-khoa-hoc-who-con-qua-som-de-ket-luan-omicron-gay-benh-nhe.jpg
Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói việc giảm kháng thể trung hòa không có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả hay không

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học gia của WHO, cho biết còn quá sớm để nói liệu việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả không, cảnh báo về việc không đưa ra kết luận từ cuộc thử nghiệm.

Bà Soumya Swaminathan nói: “Còn quá sớm để kết luận rằng việc giảm hoạt động trung hòa này sẽ dẫn đến giảm đáng kể hiệu quả của vắc xin. Chúng ta không biết điều đó, vì như bạn đã biết, hệ thống miễn dịch phức tạp hơn nhiều. Do đó, những gì chúng ta cần bây giờ là nỗ lực nghiên cứu phối hợp và không đi đến kết luận nghiên cứu theo từng cuộc thử nghiệm".

Ana Maria Henao-Restrepo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của WHO, hé lộ cuộc họp kín của các chuyên gia đã xem xét sự khác biệt trong kết quả dữ liệu ban đầu về hiệu quả vắc xin chống lại Omicron.

Bà nói: “Các kháng thể trung hòa là một thông tin quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng, nhưng chúng chỉ là một phần trong việc bảo vệ chống lại bệnh nặng”.

Đóng vai trò quan trọng của đáp ứng miễn dịch cùng kháng thể trung hòa, tế bào T (tế bào miễn dịch) ngừa bệnh nặng bằng nhận biết và tấn công các tế bào nhiễm vi rút, đồng thời huấn luyện các tế bào B sản xuất kháng thể trước nguy cơ mà chúng phải đối mặt.

WHO cũng cho biết sẽ công bố một đánh giá về quan điểm của mình với mũi vắc xin tăng cường trong vòng vài ngày, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng thấp đáng lo ngại ở hầu hết các nước đang phát triển, việc sử dụng liều chính (thay vì liều tăng cường) vẫn là ưu tiên của họ.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói: “Mua bán mũi vắc xin tăng cường không phải là giải pháp”.

Nam Phi báo cáo số ca COVID-19 kỷ lục trong đợt dịch Omicron

Hôm 8.12, Nam Phi đã ghi nhận gần 20.000 ca mắc COVID-19 mới (kỷ lục kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện) với 36 người chết trong 24 giờ qua.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron gây ra, vì chỉ một phần nhỏ các mẫu được giải trình tự, nhưng các chuyên gia tin rằng nó đang thúc đẩy làn sóng dịch thứ tư ở Nam Phi.

Số liệu thống kê từ Viện các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NICD) đã đưa số ca COVID-19 được xác nhận ở Nam Phi lên hơn 3,071 triệu, với hơn 90.000 người tử vong liên quan đến bệnh này kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron dễ lây truyền hơn bất kỳ biến thể nào trước đó, nhưng các triệu chứng đó có thể ít nghiêm trọng hơn, với mức độ nhập viện thấp hơn, đặc biệt là ở những bệnh nhân được tiêm vắc xin.

Thế nhưng, sự suy thoái kinh tế với Nam Phi, nơi bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm du lịch quốc tế kể từ khi các nhà khoa học của họ phát hiện biến thể Omicron cuối tháng trước, đã rất tàn khốc.

Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao phụ trách phản ứng với COVID-19 trong tuần này và sẽ quyết định xem có thắt chặt các biện pháp phong tỏa cấp thấp hay không. Điều đó có vẻ khó xảy ra, vì sức chứa của bệnh viện ở nước này còn lâu mới bị quá tải như những đợt dịch trước.

Cơ quan quản lý sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) hôm 8.12 đã phê duyệt tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ ba cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

FDA phê duyệt hỗn hợp kháng thể COVID-19 của AstraZeneca

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 8.12 đã cấp phép sử dụng hỗn hợp kháng thể của AstraZeneca để ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc tiền sử mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng do vắc xin gây ra.

FDA cho biết loại hỗn hợp kháng thể này (có tên Evusheld) chỉ được phép sử dụng cho người lớn và thanh thiếu niên hiện không nhiễm SARS-CoV-2 và gần đây chưa tiếp xúc với F0.

Việc cấp phép cho liệu pháp, được tạo thành từ hai kháng thể đơn dòng tixagevimab và cilgavimab, đánh dấu bước tiến quan trọng với AstraZeneca, công ty Anh - Thụy Điển có vắc xin COVID-19 được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn chưa được FDA phê duyệt.

who-noi-ve-hieu-qua-vac-xin-pfizer-voi-omicron1.jpg
Evusheld giảm 77% nguy cơ phát triển bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào trong một thử nghiệm giai đoạn cuối

Tháng trước, AstraZeneca đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Mỹ 700.000 liều Evusheld - trước đó cho thấy giảm 77% nguy cơ phát triển bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào trong một thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trong khi vắc xin dựa vào hệ thống miễn dịch nguyên vẹn để phát triển các kháng thể mục tiêu và các tế bào chống nhiễm trùng, Evusheld chứa các kháng thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm được thiết kế để tồn tại ở cơ thể hàng tháng để ngăn chặn vi rút nếu nhiễm SARS-CoV-2.

Liệu pháp của AstraZeneca, tiêm hai lần liên tiếp, có thể kéo dài thời gian bảo vệ trước COVID-19 vài tháng đến một năm.

Theo Patrizia Cavazzoni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá thuốc của FDA, dù vắc xin hiện cung cấp khả năng bảo vệ tốt nhất chống lại COVID-19, nhưng một số cá nhân bị tổn thương miễn dịch hoặc những người có tiền sử phản ứng có hại nghiêm trọng với vắc xin, cần có lựa chọn phòng ngừa thay thế.

Tuy nhiên, FDA nói thêm rằng phòng ngừa phơi nhiễm SARS-CoV-2 với Evusheld không thay thế cho việc tiêm vắc xin ở những người được khuyến cáo đi chủng ngừa COVID-19.

Các kháng thể đơn dòng được thiết kế để ngăn chặn COVID-19 gây bệnh tồi tệ hơn trong giai đoạn đầu. Các nhà sản xuất như Eli Lilly (Mỹ), Regeneron (Mỹ) và GlaxoSmithKline (Anh) - Vir Biotechnology (Mỹ) thực hiện các liệu pháp tương tự AstraZeneca.

Sơn Vân