'Cán bộ phải tự soi mình chứ không phải đứng ngoài mà phán'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:37, 09/12/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cán bộ, đảng viên tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình. “Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can”.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã diễn ra vào ngày 9.12.

Tập trung làm rõ 3 câu hỏi

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến 3 câu hỏi: (1) Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? (2) Những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? (3) Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm.

Cụ thể, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

“Công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm…”, Tổng Bí thư nêu.

tbt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Tổng Bí thư đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.

Điển hình như một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Không phải chỉ đứng ngoài mà phán

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào nghị quyết, kết luận và quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình. Theo đó, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

“Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, phải khắc phục tình trạng xuề xòa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng…

Tổng Bí thư yêu cầu phải đặt việc thực hiện kết luận, quy định của hội nghị Trung ương lần này và Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ,...

“Nói rộng ra là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị; bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, đẩy mạnh đối ngoại... chứ không phải "đóng cửa" để chỉnh đốn Đảng…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Theo đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác một cách công tâm, khách quan.

“Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi; không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng sẽ dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung.

Lam Thanh