Bộ Y tế tiếp cận các nguồn thuốc chữa COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong

Sự kiện - Ngày đăng : 19:11, 09/12/2021

Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các loại thuốc trên thế giới dùng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhằm giảm tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm bệnh.

Chiều 9.12, Bộ Y tế thông tin về tình hình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cũng như những chiến lược giảm số ca tử vong sau khi nhiễm COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin COVID-19, đồng thời bổ sung cho người trên 50 tuổi trở lên đủ các liều vắc xin cơ bản. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các loại thuốc trên thế giới dùng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhằm giảm tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm bệnh.

Bộ Y tế khẳng định, người dân đã tiêm đủ liều vắc xin thì tỷ lệ tử vong khi nhiễm COVID-19 giảm mạnh, chủ yếu hiện nay người bệnh bị tử vong do mắc các bệnh lý nền trước đó, hoặc các bệnh mạn tính ở người cao tuổi, sức khỏe suy yếu. Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Để giảm số lượng người tử vong nhiễm COVID-19, Bộ Y tế hiện đang tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.

bo-y-te-4(2).jpg
Bộ Y tế đang tiếp cận các nguồn cung ứng thuốc chữa COVID-19

Cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong. Bộ Y tế cũng đang giao cho các viện nghiên cứu đánh giá kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc xin COVID-19 và kháng thể ở các trường hợp đã nhiễm SASR-CoV-2. "Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vắc xin hoặc nhiễm COVID-19", Thứ trưởng cho biết.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể COVID-19 sai mục đích sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh vì có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế cho biết, hiện Tổ chức y tế thế giới chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với vi rút SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của vi rút: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19… Hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép sẽ đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung