Thêm 15.311 ca nhiễm mới, riêng Hà Nội có tới 822 ca COVID-19
Sự kiện - Ngày đăng : 19:24, 09/12/2021
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.453), Tây Ninh (895), Hà Nội (822), Sóc Trăng (789), Đồng Tháp (730), Cà Mau (720), Cần Thơ (670), Bình Phước (631), Bà Rịa - Vũng Tàu (576), Vĩnh Long (568), Tiền Giang (568), Bến Tre (517), Đồng Nai (501), Khánh Hòa (494), Bình Dương (489), Bạc Liêu (427), Bình Định (345), Đắk Lắk (317), Kiên Giang (314), An Giang (300), Trà Vinh (295), Hậu Giang (275), Bình Thuận (249), Lâm Đồng (210), Gia Lai (187), Đà Nẵng (180), Bắc Ninh (154), Thừa Thiên Huế (150), Thanh Hóa (142), Nghệ An (139), Quảng Nam (118), Quảng Bình (114), Phú Yên (106), Ninh Thuận (89), Long An (79), Hà Giang (66), Thái Bình (64), Hải Phòng (58), Đắk Nông (54), Lạng Sơn (49), Vĩnh Phúc (49), Nam Định (49), Hưng Yên (44), Ninh Bình (32), Hà Tĩnh (28), Quảng Ninh (28), Thái Nguyên (28), Hòa Bình (21), Quảng Ngãi (21), Bắc Giang (20), Kon Tum (15), Yên Bái (14), Phú Thọ (14), Tuyên Quang (9), Điện Biên (6), Lào Cai (5), Hà Nam (4), Bắc Kạn (3), Sơn La (3), Quảng Trị (2), Cao Bằng (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+426), Tiền Giang (+261), Cà Mau (+209).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca nhiễm). Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).
Ngày 9.12, ghi nhận 256 ca tử vong và có 14.586 ca bệnh đã chữa khỏi.
Tại Hà Nội ngày 9.12, ghi nhận 822 ca nhiễm COVID-19, tăng 426 ca so với hôm qua. Những ngày gần đây, số F0 ở Hà Nội tăng nhanh, khoảng từ 300 cho tới hơn 700 ca. Cao điểm ngày 6.12, toàn thành phố ghi nhận tới 774 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Hà Nội ghi nhận 16 chùm ca bệnh phức tạp, trong đó, ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất với hơn 400 ca mắc mới. Số F0 tăng cao khiến nhiều người lo ngại hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện ở Hà Nội hầu hết khẳng định không quá tải, do quy định phân tầng khá rõ ràng.
Hà Nội đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Qua rà soát trên 2,1 triệu hộ dân, hơn 800.000 hộ đủ điều kiện thực hiện việc này, và hiện 15.359 F1, hàng trăm F0 nhẹ đã điều trị tại nhà. Chính quyền Thủ đô phân các tầng điều trị F0. Với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà, tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách, tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Khi thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng 1 tăng lên 9.200 giường, tầng 2 có 600 giường, tầng 3 là 200 giường, với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800. Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1, trong đó 22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã; 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.