Sở Y tế TP.HCM: Thuốc kháng vi rút không đủ cung cấp cho tất cả F0
Sự kiện - Ngày đăng : 19:43, 09/12/2021
Theo bà Mai, trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây, TP đã điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C (thuốc kháng vi rút Molnupiravir) ở những nơi chưa sử dụng về nơi đang thiếu hụt; đồng thời Bộ Y tế cấp phát trên 25.000 liều thuốc kháng vi rút Molnupiravir.
Ngoài loại thuốc kháng vi rút trên, TP cũng được Bộ Y tế hỗ trợ 2.300 liều thuốc kháng vi rút Favipiravir. Đây là loại thuốc cùng nhóm với Molnupiravir.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hỗ trợ TP một số loại thuốc Đông y, trong đó hỗ trợ 2.200 liều thuốc xuyên tâm liên và một số lượng lớn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19. “Mặc dù vậy, với số lượng thuốc kháng vi rút được nhận và điều chuyển trên, nếu cấp phát hết cho những người test nhanh dương tính với COVID-19 thì sẽ không đủ”, bà Mai khẳng định.
Chính vì thế bà Mai cho biết, vừa qua Sở Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành TP và được chấp thuận cho triển khai chiến dịch “Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”. Chiến dịch này được thực hiện ở những người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền. Những người thuộc nhóm nguy cơ này sẽ được lập danh sách; xét nghiệm tầm soát F0; truyền thông; chăm sóc sức khỏe và tư vấn sức khỏe.
Nếu phát hiện F0 ở nhóm nguy cơ này, trạm y tế lập tức cấp phát ngay gói thuốc C (thuốc kháng vi rút) và gói A, B, trong đó gói C được uống ngay, còn gói B phải theo sự chỉ định của bác sĩ.
“Đối với những người còn trẻ, không mắc bệnh nền, nếu mắc COVID-19 không có triệu chứng thì không được chỉ định sử dụng gói thuốc kháng vi rút. Những trường hợp này chỉ cần sử dụng các loại thuốc, sản phẩm hỗ trợ sức khỏe là tốt nhất. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm là kháng vi rút, nguy hiểm cho cộng đồng. Vì thế, không phải ai test nhanh dương tính cũng đến trạm y tế đòi lấy gói thuốc C để uống”, bà Mai nói.
Molnupiravir và Favipiravir là 2 loại thuốc kháng vi rút chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Do đó, nếu 2 loại thuốc trên lưu hành trên thị trường hay không gian mạng đều là bất hợp pháp.
“Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Công an TP để điều tra, truy vết những trường hợp rao bán thuốc trên không gian mạng và trên thị trường. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm tất cả những trường hợp vi phạm”, bà Mai nhấn mạnh.
Về công tác tiêm vắc xin nhắc lại (tiêm mũi 3) và tiêm bổ sung phòng COVID-19, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, bắt đầu ngày mai (10.12), TP sẽ tổ chức tiêm bổ sung cho những người suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ 2 mũi nhưng chưa đạt được lượng kháng thể như người bình thường và tiêm nhắc lại (tức tiêm mũi 3). “Những người tiêm liều bổ sung phải sau 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng, tiêm nhắc lại là sau 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2”, ông Tâm thông tin.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 8.12.2021, TP có 482.544 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 481.964 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 580 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 13.177 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 8.12 có 1.217 bệnh nhân nhập viện, 1.167 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay là 288.174 người), 76 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm 2021 đến nay là 18.706 người).
Tổng số mũi vắc xin mà TP đã triển khai tiêm đến ngày 8.12 là 14.781.330 mũi, trong đó mũi 1 là 7.935.465, mũi 2 là 6.845.865.