WHO nói nước giàu tặng vắc xin cận date là vấn đề lớn với COVAX, chỉ rõ người nên tiêm mũi 3

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:24, 09/12/2021

Các nước giàu tặng vắc xin COVID-19 có thời hạn sử dụng tương đối ngắn là vấn đề lớn với COVAX, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói hôm 9.12.

Vấn đề tích trữ vắc xin và tặng hàng có thời hạn sử dụng ngắn của các nước giàu

Các nước giàu có thể bắt đầu tích trữ vắc xin COVID-19 trở lại, đe dọa nguồn cung toàn cầu khi họ tìm cách dự trữ để chống lại biến thể Omicron, Giám đốc bộ phận vắc xin của WHO - Kate O'Brien nói hôm 9.12.

Cảnh báo từ bà Kate O'Brien được đưa ra khi nguồn cung cho COVAX (chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu) do WHO và GAVI (Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng) điều hành đã tăng lên trong vài tháng qua nhờ đóng góp của các nước giàu có và sau khi Ấn Độ nới lỏng các giới hạn về xuất khẩu vắc xin.

Động thái của Ấn Độ có nghĩa là Viện Huyết thanh đã nối lại các lô hàng vắc xin AstraZeneca mà họ sản xuất, chủ yếu cho COVAX.

"Chúng tôi phải đảm bảo rằng các lô hàng nhiều hơn vẫn tiếp tục", Kate O'Brien nói trong một cuộc họp.

Bà cho biết thêm: “Khi chúng ta xem xét tình hình Omicron sẽ ra sao, có nguy cơ nguồn cung toàn cầu sẽ chuyển sang các nước thu nhập cao tích trữ vắc xin khi họ tìm cách bảo vệ khả năng tiêm chủng cho công dân của mình”.

COVAX đã vận chuyển 610 triệu liều vắc xin đến 144 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ kể từ tháng 2.2021, theo trang web của GAVI.

who-noi-nuoc-giau-tang-vac-xin-can-date-la-van-de-lon-voi-covax2.jpg
Bà Kate O'Brien nói tặng vắc xin COVID-19 có hạn sử dụng ngắn là vấn đề lớn với COVAX - Ảnh: AP

Trước đó, bà Kate O'Brien nói một vấn đề lớn với COVAX là các nước giàu tài trợ vắc xin COVID-19 có thời hạn sử dụng tương đối ngắn.

Kate O'Brien nói tỷ lệ lãng phí vắc xin COVID-19 ở các nước nhận liều lượng qua COVAX nhỏ hơn nhiều so với các nước giàu.

Nhận xét của bà được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi đang lo ngại không có đủ khả năng để tiêm vắc xin trước khi hết hạn sử dụng.

Hôm 8.12, Reuters đưa tin có tới 1 triệu vắc xin COVID-19 ước tính đã hết hạn ở Nigeria vào tháng trước mà không được sử dụng. Những liều vắc xin hết hạn do AstraZeneca sản xuất và được chuyển đến từ châu Âu thông qua COVAX.

Đây là một trong những vụ mất lượng vắc xin lớn nhất, cho thấy các nước châu Phi gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm phòng.

Theo WHO, tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và là nơi sinh sống của hơn 200 triệu người, chưa đến 4% người trưởng thành đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.

Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung gần đây đã gây ra một vấn đề mới: Nhiều nước châu Phi nhận thấy không có đủ năng lực để quản lý vắc xin COVID-19, một số có thời hạn sử dụng ngắn.

Nguồn tin khác cho biết một số liều vắc xin đã đến Nigeria trong vòng 4 đến 6 tuần trước khi hết hạn và không thể sử dụng kịp thời, bất chấp những nỗ lực của cơ quan y tế.

Một nguồn tin nói với Reuters: "Nigeria đang làm mọi thứ có thể, nhưng họ đang phải vật lộn với vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn. Bây giờ không thể đoán trước nguồn cung và họ đang gửi quá nhiều".

WHO cho biết 800.000 liều vắc xin bổ sung có nguy cơ hết hạn vào tháng 10 nhưng đã được sử dụng kịp thời.

"Việc lãng phí vắc xin là điều có thể xảy ra ở bất kỳ chương trình tiêm chủng nào và trong bối cảnh việc triển khai chủng ngừa COVID-19 là vấn đề toàn cầu", WHO cho hay.

Số lượng vắc xin hết hạn của Nigeria dường như là một trong những khoản thất thoát lớn nhất ở khoảng thời gian ngắn, thậm chí còn vượt xa tổng số vắc xin mà một số quốc gia châu Phi khác nhận được. Tuy nhiên, Nigeria không đơn độc trong việc lãng phí vắc xin.

Trên khắp châu Âu, các quốc gia như Đức và Thụy Sĩ đã phải vật lộn để tối đa hóa việc sử dụng vắc xin. Vào tháng 1, các quan chức ở Anh dự báo tình trạng lãng phí vắc xin khoảng 10%. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp nói với truyền thông địa phương rằng 25% vắc xin AstraZeneca, 20% Moderna và 7% vắc xin Pfizer đang bị lãng phí vào thời điểm đó.

who-noi-nuoc-giau-tang-vac-xin-can-date-la-van-de-lon-voi-covax.jpg
Có tới 1 triệu liều vắc xin COVID-19 đã hết hạn sử dụng ở Nigeria vào tháng trước - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ tiêm vắc xin cao ở châu Phi là yếu tố sống còn để chấm dứt đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Theo WHO, hiện chỉ có 102 triệu người, tương đương 7,5% dân số châu Phi được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.

Tình trạng thiếu nhân viên, thiết bị và kinh phí đã cản trở việc triển khai tiêm chủng. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng nguồn cung dự kiến, gồm cả hàng triệu liều vắc xin trong những tuần tới, có thể làm lộ ra những điểm yếu đó hơn nữa.

Hệ thống y tế nghèo nàn của Nigeria thiếu nguồn cung hàng ngày, chẳng hạn tăm bông lấy mẫu COVID-19. Tủ lạnh chứa vắc xin cần được duy trì trên các máy phát điện chạy bằng nhiên liệu đắt tiền. Hàng triệu dân sống trong các khu vực bị tàn phá bởi băng cướp hoặc các cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo mà y tế không thể tiếp cận.

"Nền tảng không vững chắc. Nếu bạn không có nền tảng vững chắc, bạn sẽ không thể xây dựng được gì trên đó", Bộ trưởng Y tế Nigeria - Osagie Ehanire phát biểu tại một diễn đàn vào tuần trước.

Thời hạn sử dụng ngắn của vắc xin COVID-19 được tặng không giúp ích gì cho các quốc gia châu Phi.

Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo đã phải gửi trả lại một số lượng vắc xin vì không thể phân phối kịp thời. Tháng trước, Namibia cảnh báo có thể phải tiêu hủy hàng ngàn liều vắc xin quá hạn sử dụng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng này chỉ làm gia tăng bất bình đẳng vắc xin.

"Hơn 8 tỉ liều vắc xin hiện đã được sử dụng - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều biết rằng thành tích đáng kinh ngạc này đã bị hoen ố bởi sự thiếu công bằng khủng khiếp", Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu, đánh dấu một năm kể từ khi vắc xin COVID-19 lần đầu tiên được sử dụng.

WHO: Những người có vấn đề về sức khỏe hoặc nhận vắc xin bất hoạt nên tiêm mũi tăng cường

Hôm 9.12, WHO khuyến cáo rằng những người suy giảm miễn dịch hoặc từng nhận vắc xin COVID-19 công nghệ bất hoạt nên tiêm một liều tăng cường để tránh khả năng miễn dịch suy giảm.

Khuyến nghị trên được đưa ra sau khi Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng tổ chức cuộc họp để đánh giá nhu cầu về tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường và phần lớn phù hợp với hướng dẫn từng đưa ra vào tháng 10.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch SAGE - Alejandro Cravioto nói vắc xin cung cấp mức độ bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng trong ít nhất 6 tháng, dù dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm ở người lớn tuổi và những người có bệnh nền.

Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi tiếp tục ủng hộ nhu cầu công bằng trong phân phối vắc xin và chỉ sử dụng liều thứ ba ở những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người đã nhận vắc xin bất hoạt”.

Bà Kate O'Brien nói vắc xin COVID-19 bảo vệ rất tốt trong suốt 6 tháng sau liều gần nhất với một số "suy giảm nhẹ, khiêm tốn" về khả năng bảo vệ.

Các giám đốc của WHO không nêu tên các loại vắc xin trong cuộc họp giao ban hôm 9.12.

Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người cao tuổi và những người có bệnh nền, nhưng những lo lắng về biến thể Omicron dễ lây truyền hơn khiến một số nước mở rộng việc sử dụng chúng cho phần lớn dân số.

Với tỷ lệ tiêm vắc xin thấp một cách đáng lo ngại ở hầu hết nước đang phát triển, WHO cho biết trong những tháng gần đây rằng việc sử dụng liều chính - thay vì mũi tăng cường - nên được ưu tiên.

Alejandro Cravioto nói vắc xin Johnson & Johnson loại 1 mũi vẫn có hiệu quả, nhưng dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của công ty khi sử dụng hai liều cho thấy rõ ràng lợi ích của việc tiêm thêm.

Trong 7 vắc xin COVID-19 mà WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp đến nay, 3 loại dùng công nghệ bất hoạt là của hãng Bharat Biotech (Ấn Độ), Sinovac Biotech và Sinopharm (Trung Quốc).

Sơn Vân