Thủ tướng Hun Sen lên tiếng sau khi Campuchia bị Mỹ cấm vận vũ khí kèm cáo buộc liên quan Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 11:19, 10/12/2021
Chính phủ Mỹ hôm 8.12 đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia, với lý do lo ngại lâu dài về nhân quyền, tham nhũng và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thêm Campuchia vào danh sách các quốc gia cấm xuất khẩu vũ khí.
"Campuchia tiếp tục cho phép Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở riêng trên vịnh Thái Lan", theo hồ sơ được Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển cho Văn phòng Đăng ký Liên bang.
Trong một thông cáo, Bộ Thương mại Mỹ cho biết động thái trừng phạt này sẽ “hạn chế” hạn chế Campuchia tiếp cận các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng trong dân sự và quân sự, cùng các mặt hàng quân sự và dịch vụ quốc phòng ít nhạy cảm của các cơ quan tình báo và quân sự của Campuchia.
“Mỹ vẫn hoàn toàn cam kết đối với độc lập của Campuchia và chủ quyền của người dân. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đồng thời làm việc để giảm ảnh hưởng của quân đội CHND Trung Hoa ở Campuchia, vốn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong tuyên bố.
Điều này không có nhiều ý nghĩa - Mỹ hiện không phải là nhà cung cấp vũ khí cho Campuchia - nhưng nó đánh dấu bước mới nhất trong danh sách dài các biện pháp được thiết kế để trừng phạt Phnom Penh vì hành vi đàn áp chính trị và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc. Đặc biệt, Washington đã trở nên lo lắng trước hoạt động tân trang lại Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ trên bờ biển phía nam của Campuchia, nơi mà họ lo ngại sẽ mở đường cho sự hiện diện quân sự thường xuyên của Trung Quốc trên đất Campuchia.
Trong chiến dịch gây áp lực mới bắt đầu nhằm đảo ngược trục xoay của Campuchia sang Trung Quốc, Mỹ đã trừng phạt 5 chỉ huy cấp cao của quân đội Campuchia và một ông trùm gỗ - tất cả đều là cộng sự thân cận của Thủ tướng Hun Sen.
Mới đây nhất, theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, ông Chau Phirun, Tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia, “âm mưu thu lợi từ các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và nâng cấp các công trình ở Căn cứ Hải quân Ream”. Thông báo này cũng tuyên bố tướng Tea Vinh, tư lệnh hải quân Campuchia, ông Chau và các quan chức chính phủ khác “có khả năng âm mưu tăng chi phí cơ sở vật chất tại căn cứ và trục lợi cá nhân từ số tiền thu được”.
Các biện pháp trừng phạt đối với Tea Vinh và Chau Phirun, được công bố vào tháng trước, cũng đi kèm với cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với các doanh nghiệp của nước này đang đầu tư vào Campuchia, do tình trạng tham nhũng phổ biến của đất nước và nguy cơ có thể dính líu đến các thực thể liên quan đến vi phạm nhân quyền, buôn lậu và buôn bán ma túy. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh các nghị quyết của quốc hội Mỹ kêu gọi chính phủ gia tăng sức ép đối với chính phủ Campuchia hơn nữa.
Về phần mình Thủ tướng Hun Sen cùng nhiều quan chức cấp cao của Campuchia đã đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ khi cho rằng đây là dấu hiệu của xu hướng chính trị hơn là bất kỳ mong muốn thực sự nào để bảo vệ dân chủ và pháp quyền.
"Tôi không quan tâm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vì tôi không có tiền trong các ngân hàng nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là vô nghĩa đối với tôi. Tôi muốn cảm ơn Mỹ vì ngăn người Campuchia gửi tiền ở ngân hàng Mỹ. Giờ đây người dân sẽ giữ tiền ở Campuchia, điều này sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia", Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phy Siphan cho biết việc chính phủ Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và không bán vũ khí và thiết bị quân sự cho nước này với lý do "nhân quyền, tham nhũng hay ảnh hưởng của Trung Quốc" là “quyết định sai lầm và không hợp lý”.
Kin Phea - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia - cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ là do xu hướng chính trị chứ không phải do bất kỳ yếu tố nào khác. “Đây là cái cớ cho cuộc cạnh tranh quyền lực giữa nước này với Trung Quốc”, ông Phea cho hay.
Theo ông Phea, Campuchia đã quen với lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, nhưng các lệnh trừng phạt lần này đã thực sự ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Phea nói thêm rằng mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Phnom Penh cho phép Bắc Kinh có bất kỳ ảnh hưởng quá mức nào đối với việc ra quyết định của Campuchia, chỉ là hai quốc gia có mối quan hệ thân thiết và cùng tham gia vào sự phát triển của nhau trong nhiều lĩnh vực.
“Mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với sự phát triển, chủ quyền của nhau và lợi ích chung của chúng tôi. Vì vậy, nói rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến Campuchia là không đúng”, ông Phea khẳng định.
Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban Nhân quyền Campuchia Chin Malin khẳng định sử dụng cáo buộc về nhân quyền hay dân chủ để áp trừng phạt với nước này là vô nghĩa, vì Campuchia luôn nỗ lực thúc đẩy nhân quyền cùng dân chủ.
“Đó là một xu hướng chính trị và được thúc đẩy bởi tranh chấp của Mỹ và Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt không liên quan đến bất kỳ vấn đề nào của Campuchia. Nhân quyền, dân chủ và pháp quyền là những lời bào chữa vì có nhiều Đồng minh của Mỹ có nền dân chủ kém hơn nhiều so với Campuchia, nhưng Washington vẫn không làm gì cả”, Malin nói.